Vụ chạy thận ở Hoà Bình: Có phải do thiết bị kém dẫn đến chết người?

Một bệnh nhân chạy thận đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
Một bệnh nhân chạy thận đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
TP - Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/6, đề cập đến vụ 7 bệnh nhân chạy thận tử vong khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị điều tra làm rõ nguyên nhân có phải do thiết bị kém dẫn đến chết người hay không?

Điều tra, xử lý nghiêm

Sáng 3/6, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2017. Mở đầu phiên họp Thủ tướng cho biết chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vừa qua đạt nhiều kết quả tích cực. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, Thủ tướng nhìn nhận có nhiều thuận lợi. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đạt nhiều kết quả khi “đây là tháng kỷ lục về việc thành lập doanh nghiệp mới (50.500 doanh nghiệp được thành lập trong những tháng đầu năm). Tuy nhiên trong lĩnh vực xã hội, Thủ tướng nêu lên các vấn đề đặt ra là tình trạng sạt lở nặng nề ở Tây Nam bộ, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đặc biệt, vụ việc nghiêm trọng khiến 7 bệnh nhân chết khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã gây cú sốc lớn cho xã hội. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công an xử lý nghiêm vụ việc.

Thủ tướng đề nghị: “Phải xử lý nghiêm khắc trường hợp này nếu như cố tình mua thiết bị kém chất lượng, để ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Phải điều tra làm rõ  có phải do thiết bị kém dẫn đến chết người hay không? Giá thiết bị là bao nhiêu, tại sao để tình trạng này? Có phải đây là bài học điển hình không? Lần này phải làm đến nơi đến chốn vụ này, xử lý nghiêm theo pháp luật, dù người đó là ai”. 

Về việc cấp phép tác phẩm vừa qua, Thủ tướng cho rằng đây là một bài học đối với ngành văn hóa. “Tôi đã điện cho anh Nguyễn Ngọc Thiện (Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL) cho thôi giữ chức đối với ông Cục trưởng”, Thủ tướng nói và hoan nghênh Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã xử lý nghiêm trong vấn đề này.

Cẩn trọng xem xét giá điện

Đề cập đến phương án điều chỉnh giá điện sắp tới, tại cuộc họp báo do VPCP tổ chức, Thứ  trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, cùng với xăng dầu, điện là mặt hàng quan trọng, đồng thời là đầu vào sản xuất của nhiều mặt hàng, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của người tiêu dùng. Bất cứ sự thay đổi nào, đặc biệt tăng giá mặt hàng điện, ông Hải nhấn mạnh, sẽ được xem xét, cânh nhắc kỹ lưỡng.

Ông Hải cho biết, trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện thì Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành khác liên quan xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng; cũng như đánh giá xem việc tăng giá mặt hàng này sẽ tác động tới các mặt hàng khác ra sao, ảnh hưởng thế nào tới GDP, CPI...Nếu mức đề xuất tăng vượt thẩm quyền của Bộ Công Thương thì sẽ phải trình xin ý kiến Thủ tướng xem xét, quyết định. Tuy nhiên, “hiện chưa xem xét việc tăng giá điện hay không”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Liên quan tới quỹ bình ổn xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin, quỹ này vẫn đang được điều hành theo đúng tinh thần Nghị định 83. Bản chất của quỹ bình ổn giá xăng dầu là nhằm tránh sự tăng giá đột ngột xăng dầu ở thị trường nước ngoài tác động tới giá trong nước và tránh cú sốc cho người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước. Nguồn hình thành quỹ này không phải từ tiền Nhà nước hay doanh nghiệp mà là phần trích trong mỗi lít xăng bán ra để tránh sự tăng giá đột ngột mặt hàng xăng dầu.

“Cá nhân tôi cũng mong không cần dùng tới quỹ này nữa, nhưng hiện chúng ta điều hành theo đúng tinh thần Nghị định 83 và tác dụng của quỹ này vẫn phù hợp trong thực tế. Khi nào thấy không còn phù hợp thì sẽ ngừng sử dụng quỹ này”, ông Hải nói.

Liên quan tới thuế bảo vệ môi trường (BVMT), Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, mức khung do Quốc hội ban hành, mức cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Khung hiện hành là 1.000 - 4.000 đồng một lít, Bộ Tài chính đang đề xuất tăng khung này lên. Về tính toán tác động của thuế BVMT, ông Hà cho hay, khoản thu này sẽ làm tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện cơ cấu lại nguồn thu ngân sách trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ về 0%.

Hiện giá xăng dầu trong nước thấp nhất so với giá các nước có cùng đường biên với Việt Nam, nên việc tăng khung sẽ góp phần quản lý xăng dầu, hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới. Xét tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lạm phát, ông Hà cho rằng, khi quyết định mức thuế BVMT cụ thể sẽ tính tới các yếu tố này. Việc này phải chờ khi các cấp có thẩm quyền quyết mức giá cụ thể thì mới tính toán.

MỚI - NÓNG