Vụ ‘cắt xén’ tiền bảo vệ rừng tại TT-Huế: Ba cán bộ bị kỷ luật

0:00 / 0:00
0:00
Cây rừng tự nhiên tại vùng giáp ranh A Lưới bị lâm tặc tàn phá. Ảnh: VOV
Cây rừng tự nhiên tại vùng giáp ranh A Lưới bị lâm tặc tàn phá. Ảnh: VOV
TPO - Ba cán bộ liên quan vụ “cắt xén” tiền giao khoán bảo vệ rừng (theo Nghị định 75 của Thủ tướng Chính phủ) tại một xã miền núi thuộc tỉnh TT-Huế vừa bị xử lý kỷ luật, với mức cảnh cáo.

Chiều 23/8, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới (tỉnh TT-Huế) cho biết, Hội đồng kỷ luật huyện này vừa quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với 3 cán bộ UBND xã Hồng Thủy (huyện A Lưới), do sử dụng sai mục đích số tiền bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Ba cán bộ UBND xã Hồng Thủy bị kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền gồm ông A Kơ Tiến - Chủ tịch UBND xã, bà Hồ Thị Hanh - kế toán UBND xã và ông Ái Quốc Pơ Lin - cán bộ địa chính xã.

Năm 2020, tại xã Hồng Thủy có khoảng 5.000 hecta rừng được giao khoán cho 20 nhóm cộng đồng để bảo vệ. Việc giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm cộng đồng thực hiện theo Nghị định 75 của Chính phủ. Mỗi nhóm tại xã Hồng Thủy có khoảng 10 - 15 thành viên, chủ yếu là người dân địa phương. Tiền bảo vệ rừng hỗ trợ các nhóm hộ được trích từ ngân sách do trên cấp về.

Tuy nhiên, thời gian qua, người dân Hồng Thủy phản ánh, số tiền ngân sách bảo vệ rừng cấp đến tay bà con ít hơn con số thực tế ghi trên sổ sách của UBND xã.

Trước phản ánh của dân, đại diện lãnh đạo UBND xã Hồng Thủy giải thích, sau khi nhận tiền khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75, các nhóm có “ủng hộ” lại 30% trong tổng số tiền cho địa phương, để UBND xã đối ứng xây dựng hội trường, mua sắm các trang thiết bị... Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, họ không hay biết việc “ủng hộ” này.

Còn UBND huyện A Lưới khẳng định, mỗi năm Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh TT-Huế cấp kinh phí về huyện. Qua đó, huyện luôn chi trả đủ về xã.

Sau khi phát hiện sự việc bất thường, UBND huyện A Lưới đã lập đoàn kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, từ đó xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.

Đến nay, Hội đồng kỷ luật của huyện A Lưới đã đưa ra hình thức kỷ luật với mức “cảnh cáo” đối với các cá nhân sai phạm liên quan đến vụ việc sử dụng sai mục đích tiền bảo vệ rừng kể trên…

Liên quan vụ việc, trước đó, như Tiền Phong thông tin, thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020), huyện A Lưới đã chi tiền khoán bảo vệ rừng về cho xã Hồng Thuỷ để chi trả cho người tham gia bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, người dân Hồng Thủy lại thắc mắc, thời gian gần đây, số tiền ngân sách bảo vệ rừng cấp đến tay bà con ít hơn con số thực tế ghi trên sổ sách của xã, khiến bà con bức xúc, yêu cầu cần được thanh tra, làm rõ.

MỚI - NÓNG