Vụ 28 năm mang án oan “giết chồng, giết cha”: “Chắc chắn phải quy trách nhiệm các cơ quan tố tụng”

Bà Đặng Thị Nga và con trai Trịnh Huy Dương nhiều năm mang án oan giết chồng, giết cha.
Bà Đặng Thị Nga và con trai Trịnh Huy Dương nhiều năm mang án oan giết chồng, giết cha.
TP - Sau gần 30 năm mang tiếng oan “giết chồng, giết cha”, gia đình bà Đặng Thị Nga đề nghị phải tìm ra kẻ giết người thật sự và xử lý những cán bộ, điều tra viên đã gây ra vụ án oan.

Quy tránh nhiệm pháp lý

Như Tiền Phong đã đưa, ngày 24/10, TAND tỉnh Lai Châu đã chủ trì buổi xin lỗi gia đình bà Đặng Thị Nga (SN 1938) về vụ án oan cách đây 28 năm. Cụ thể, năm 1989, chồng bà Nga là ông Trịnh Huy Tùng tử vong dưới giếng. Sau đó, công an bắt giữ bà Nga và 2 con trai lớn Trịnh Công Hiến (SN 1963) và Trịnh Huy Dương (SN 1970) vì cho rằng họ giết chồng – cha. Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu (cũ) xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Đặng Thị Nga 36 tháng tù treo về hành vi che giấu tội phạm; các con trai bà lần lượt nhận án 18 và 12 năm tù về tội giết người.

Bản án bị tòa phúc thẩm tuyên hủy và tới năm 1992, Hiến và Dương được hủy bỏ quyết định tạm giam. Tuy nhiên, tháng 10/2017, các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can mới được ban hành. Theo ông Phạm Văn Nam – Chánh án TAND tỉnh Lai Châu, ông đã thay mặt các cơ quan tố tụng khẳng định điều tra, truy tố, xét xử vụ án là oan và tòa án sẽ chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định.

Ông Nam cho biết, hiện tại TAND Lai Châu chưa có thẩm quyền xử lý trách nhiệm pháp lý của từng cơ quan tố tụng gây oan sai trong vụ việc nhưng việc quy trách nhiệm chắc chắn phải được tiến hành. “Kiểu gì cũng phải quy trách nhiệm và đây cũng là bài học cho các cơ quan tố tụng, không thể để xảy ra chuyện như vậy được nữa… Tại bản tóm tắt vụ án đã thể hiện tương đối trách nhiệm và lỗi của từng đơn vị từ công an, kiểm sát đến tòa án” - ông Nam nói.

Về trách nhiệm của tòa án trong vụ việc, Chánh án Nam cho rằng án sơ thẩm đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy nên diễn biến sau đó không liên quan đến tòa. Ông phân tích: “Hủy bản án là chấm dứt sự kiện pháp lý, hồ sơ trả về cho VKSND rồi công an theo đúng trình tự tố tụng… Nguyên tắc khi viện truy tố - tòa xét xử nhưng họ không truy tố lấy gì mà xử?”.

Vụ 28 năm mang án oan “giết chồng, giết cha”: “Chắc chắn phải quy trách nhiệm các cơ quan tố tụng” ảnh 1 Ông Phạm Huỳnh Công - nguyên KSV cao cấp, người được gia đình bà Nga coi là ân nhân.

“Ai giết bố tôi”?

Đây là câu hỏi anh Trịnh Huy Dương đề nghị các cơ quan tố tụng làm rõ: “Chúng tôi bị oan phải ngồi tù, bọn nó còn đổ bê tông dựng một tấm bia lên mộ bố tôi, nội dung “5 mẹ con nhà Nga giết chồng”. Trong khi đó, kẻ giết bố tôi giờ vẫn nhởn nhơ bên ngoài, gia đình tha thiết mong cơ quan chức năng tìm được kẻ giết bố tôi”. Ngoài ra, anh Dương đề nghị phải xử lý những điều tra viên và người liên quan gây ra vụ án oan.

“Đứng đầu phải là bác sĩ pháp y của vụ án, tôi gặp một lần và bị họ đánh mà giờ quên mất tên. Chính bác sĩ pháp y và những người ký vào bản pháp y hôm đó góp phần gây ra vụ án oan... Ngoài ra, cần xử lý các điều tra viên gồm Lò Văn S., Hoàng Minh C., Trần Quyết T. là những người trực tiếp bức cung tôi rồi 2 lãnh đạo Phòng CSĐT là ông D. và ông V.” - anh Dương nói. Theo anh, những công an trên đã nghỉ hưu, đã mất hoặc chuyển đi nơi khác sống. Anh từng đi tìm họ nhưng không thấy.

Sao không điều tra vụ án?

Được hỏi về quá trình xét xử, ông Vũ Trọng Lợi - nguyên Chánh tòa hình sự  tỉnh Lai Châu, chủ tọa phiên sơ thẩm vụ án gia đình bà Nga trả lời: “Do sự việc quá lâu nên tôi không thể nhớ được”.

Ngược lại, ông Phạm Huỳnh Công (chứ không phải là Phạm Hồng Công như thông tin trước đó) - nguyên Kiểm sát viên Cao cấp (VKSND Tối cao) lại nhớ như in vụ án. Theo gia đình bà Nga, ông Công là “ân nhân” của họ khi đề nghị trả hồ sơ. Ngoài ra, vị kiểm sát viên còn giúp các con nhỏ bà Nga không bị “gọi lên” đánh đập và ủng hộ vật chất lẫn tinh thần trong lúc gia đình họ chỉ còn “3 trẻ con ở nhà, 3 người lớn trong tù”. Tuy vậy, ông Công cho biết có người nói ông “ăn” của họ 2 chỉ vàng nên mới giúp đỡ tận tình.

Ông Công kể lại: “Tôi tìm hiểu và biết họ vô tội, tất cả chứng cứ không phù hợp thực tế khách quan nhưng chỉ mình tôi một phe, HĐXX một phe nhưng tôi kiên quyết trả hồ sơ… gia đình người ta không thể tự dưng giết bố nhẹ bỡn, nhạt nhẽo như vậy. Tôi còn thấy hồ sơ thể hiện giết bố xong, họ đi đến bản Quài Nưa cách đó 13km đường rừng trong 25 phút, tôi đi thử hết 4 tiếng”.

Cựu Kiểm sát viên Phạm Huỳnh Công cũng nêu một số sai lệch như hồ sơ ghi nạn nhân Tùng bị lún sọ nhưng thực tế không có; các dấu vết còn lại như thành giếng, đôi dép ở đó của ai thì chưa được làm rõ… Đáng chú ý, ông Công đặt câu hỏi tại sao không điều tra tiếp cái chết của ông Tùng? Việc này có liên quan tới nội bộ Công an huyện Tuần Giáo lúc đó?

Ông Công cho biết, Phó trưởng Công an huyện Tuần Giáo lúc đó là Mùa A Vừ là người đầu tiên thụ lý vụ án đã bị bắt vì buôn ma túy chỉ sau cái chết của ông Tùng khoảng 6 - 7 tháng. “Nhà ông Tùng trên đèo, ông ấy biết các xe qua lại và thường báo công an bắt ma túy… Có thể vì ông ấy biết nhiều quá nên bị giết”. Tương tự, bà Đặng Thị Nga cho phóng viên biết, ông Tùng - chồng bà từng nhiều lần giúp công an bắt giữ ma túy và được công an tặng quà.

Cựu Kiểm sát viên Phạm Huỳnh Công cũng nêu một số sai lệch như hồ sơ ghi nạn nhân Tùng bị lún sọ nhưng thực tế không có; các dấu vết còn lại như thành giếng, đôi dép ở đó của ai thì chưa được làm rõ… Đáng chú ý, ông Công đặt câu hỏi tại sao không điều tra tiếp cái chết của ông Tùng? Việc này có liên quan tới nội bộ Công an huyện Tuần Giáo lúc đó?

MỚI - NÓNG