Xin lỗi gia đình 28 năm mang án oan “giết chồng, giết cha”

Gia đình bà Nga tại buổi xin lỗi.
Gia đình bà Nga tại buổi xin lỗi.
TPO - Suốt 28 năm, họ bị mang tiếng vợ giết chồng, con giết cha khiến gia đình tan nát. Người con cả xăm chữ “hận đời oan trái”, nói bao giờ được minh oan mới xóa. Song, anh đã chết trước khi được các cơ quan tố tụng trả lại sự trong sạch.

Sáng 24/10, TAND tỉnh Điện Biên chủ trì buổi xin lỗi công khai 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga (SN 1938, ở Tuần Giáo, Điện Biên) về những oan sai trong vụ án chồng bà Nga tử vong 

Hàng trăm người dân địa phương đã có mặt tại UBND thị trấn Tuần Giáo để theo dõi buổi xin lỗi. Cơ quan địa phương phải đặt một tivi tại cổng trụ sở ủy ban để phát trực tiếp cho những người không thể vào trong vì hội trường chật chội. Rất nhiều người thân, hàng xóm của gia đình bà Nga tươi cười chúc mừng gia đình bà được giải oan sau 28 năm chịu tiếng giết chồng, giết cha.

Bà Đàm Thị Ngận - hàng xóm với gia đình Nga vui vẻ nói đã có mặt từ sớm để chứng kiến buổi xin lỗi và chia vui với bà Nga. Nhớ lại sự việc, bà Ngận cho biết: “ Biết tin vụ án xảy ra, tôi rất bất ngờ vì không nghĩ con lại giết cha, vợ hại chồng… Tôi vui lắm khi họ được minh oan”.

Mở đầu buổi xin lỗi, ông Phạm Văn Nam – Chánh án TAND tỉnh Điện Biên tóm tắt lại vụ án. Theo ông Nam, ngày 18/9/1989, bà Nga phát hiện chồng mình là ông Trịnh Huy Tùng tử vong dưới giếng.

Xin lỗi gia đình 28 năm mang án oan “giết chồng, giết cha” ảnh 1

 Ông Phạm Văn Nam - Chánh án TAND tỉnh Điện Biên thay mặt cơ quan xét xử xin lỗi gia đình bà Nga.

Công an Lai Châu (nay tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đã căn cứ lời khai của các nhân chứng gồm Trịnh Thị Ngọc, Trịnh Việt Dũng (cùng là con ông Tùng) và những chứng cứ khác để bắt giữ vợ và 2 con khác của ông Tùng là Trịnh Công Hiến (SN 1963) và Trịnh Huy Dương (SN 1970).

Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù treo về hành vi che giấu tội phạm. Hai con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị tòa buộc tội đã giết bố mình, lần lượt nhận án 18 năm tù và 12 năm tù.

Bản án trên bị tòa phúc thẩm tuyên hủy. Năm 1991, VKSND tỉnh Lai Châu trả hồ sơ vụ án cho Công an tỉnh Lai Châu điều tra lại. Năm 1992, các ông Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương được hủy bỏ quyết định tạm giam.

Năm 2016, cơ quan tố tụng liên ngành tỉnh Điện Biên vào cuộc để giải quyết đơn kêu oan của bà Nga và con trai. Tháng 10/2017, cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra bị can, tuyên bố 3 người trong gia đình bà Nga vô tội.

Trên cơ sở đó, TAND tỉnh Điện Biên quyết định tổ chức xin lỗi công khai với bà Đặng Thị Nga; ông Trịnh Huy Dương và người đại diện hợp pháp của ông Trịnh Công Hiến (đã mất năm 2004).

Theo Chánh án Phạm Văn Nam, nếu những người được xin lỗi trên có yêu cầu về bồi thường thì tòa tỉnh sẽ tiến hành các thủ tục để bồi thường theo quy định.

Tương tự, ông Trịnh Minh Hải – đại diện chính quyền thị trấn Tuần Giáo cảm ơn các cơ quan tố tụng đã xin lỗi công khai các công dân theo quy định với tinh thần khẩn trương góp phần giảm đau thương của gia đình. Địa phương cũng đề nghị cấp trên khẩn trương tiến hành thủ tục và làm việc với gia đình bà Nga để giải quyết bồi thường một cách thỏa đáng.

Xin lỗi gia đình 28 năm mang án oan “giết chồng, giết cha” ảnh 2

Chính quyền địa phương tặng hoa những người được xin lỗi.

Tiếp đó, ông Trịnh Huy Dương thay mặt gia đình lên phát biểu đáp từ. Ông Dương cho biết, gia đình mình đã phải chịu án oan trong 28 năm qua khiến họ sống mà như không sống.

“Nỗi oan đã giết chết anh tôi, khiến các em tôi không được làm người tử tế. Em trai tôi là Trịnh Việt Dũng từ một thanh niên khỏe mạnh trở thành trầm cảm vì bị ảnh hưởng vụ án con giết cha vợ giết chồng… lại bị điều tra viên gọi lên đánh đập dã man” – ông Dương phát biểu.

Về phần mình, ông Dương kể lại: “Lúc bị giam tội phải nhận nhiều trận đánh đập tàn nhẫn, kêu trời không thấu, đất không hay. Suốt 28 năm lang thang làm thuê, đi đâu tôi cũng phải luôn mang giấy quyết định thay đổi biện pháp tạm giam theo, nghĩ lại thật rùng rợn. trong 28 năm, mẹ tôi phải đi kêu kiện ở các nơi cùng anh em tôi, em gái Trịnh Thị Ngọc phải thay bố mẹ nuôi các em… Cả nhà chỉ có em Trịnh Việt Vương được đi học”.

Tuy vậy, ông Dương cho rằng mình vẫn may mắn hơn nhiều người không được minh oan hoặc chưa kịp minh oan thì chết như anh trai mình. Ông Dương nói: “Lúc chết, trên ngực anh vẫn còn xăm chữ “hận đời oan trái”, bảo bao giờ minh oan thì xóa đi”.

Tiếp đó, đại diện cơ quan tố tụng và chính quyền địa phương tiến hành tặng hoa cho gia đình bà Nga.
Buổi xin lỗi kéo dài khoảng 15 phút.
MỚI - NÓNG