Không riêng dự án này, nhiều dự án vi phạm xây dựng nghiêm trọng khác ở tỉnh này mà báo chí đưa cũng bị ngó lơ. Trong khi, nếu nhà dân chỉ cần vi phạm xây dựng nhỏ cũng đã bị xử lý. Vậy ai đã khiến những người có trách nhiệm chùn tay xử lý dứt điểm vi phạm?
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa xử phạt Công ty đầu tư công nghệ SEAGOL (Cty SEAGOL) 280 triệu đồng, vì xây dựng 26 căn nhà thuộc dự án nhà ở xã hội khi chưa được giao đất. Thế nhưng, lạ lùng thay, quyết định này không đề cập tới việc chủ đầu tư khắc phục vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu, thay vào đó lại yêu cầu đơn vị này hoàn thiện các thủ tục được giao đất, thuê đất đúng quy định.
Trước câu hỏi của Tiền Phong rằng, để xảy ra vi phạm này trách nhiệm thuộc về ai, ông Phạm Văn Lập, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk cho biết, có nhiều cá nhân phải chịu trách nhiệm. Nhưng, vị này không nêu rõ cụ thể.
“Liệu địa phương có cưỡng chế 26 căn nhà xây dựng trái phép hay phạt cho tồn tại”, PV nêu câu hỏi, ông Lập cho biết: "Cái này, phải hỏi UBND tỉnh Đắk Lắk".
Còn ông Trần Đình Nhuận, Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk khẳng định rằng, việc xử phạt này không phải để hợp thức hóa cho sai phạm. “Đây là dự án nhà ở xã hội, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ định đơn vị trúng thầu. Do đó, Cty SEAGOL được miễn nộp tiền sử dụng đất. Sau này, chủ đầu tư chỉ cần hoàn thiện một số thủ tục, sẽ chính thức được giao đất”, ông Nhuận nói.
Không riêng dự án này, rất nhiều dự án khác mà Tiền Phong từng đề cập, vai trò của chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk dường như bỏ ngỏ. Cách trả lời của 2 lãnh đạo trên giống như một cách thoái thác trách nhiệm. Đó là chưa kể tới những vấn đề mà Tiền Phong đã nêu trong các bài báo trước, song chưa được trả lời, như: Tại sao nhà xã hội lại xây quy mô hoành tráng, không giống dành cho người thu nhập thấp (báo đã gửi thông tin về giá rao bán nhiều tỷ đồng/căn tới cơ quan chức năng kiểm tra, nhưng chưa có phản hồi-PV).
Trong khi đó, mới đây, Khánh Hòa mạnh tay với các công trình vi phạm. Cụ thể, tỉnh này ra quyết định phê duyệt phương án tháo dỡ 15 biệt thự xây vượt tầng tại khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang.
Đáng ngạc nhiên là, sau loạt bài phản ánh, Sở Xây dựng Đắk Lắk có văn bản phản hồi báo Tiền Phong; qua đó cho rằng, chi tiết trong bài viết “có căn, thậm chí đã được lắp bàn thờ” là nhà của ông T.N.V và không liên quan đến dự án. Tuy nhiên, trong bài viết, Tiền Phong không đề cập tới nhà của ai và thực tế không phải căn mà Sở xây dựng đang nói đến.
Trước đó, Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh về dự án nhà ở xã hội ở đường Y Ơn, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột xây dựng trái phép. Dự án này do Cty SEAGOL làm chủ đầu tư.
Dù mới được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương giao hơn 7.000 ha đất (có nguồn gốc từ khu tập thể Công ty cổ phần vận tải ô tô Đắk Lắk) để làm dự án nhà ở xã hội, nhưng Cty SEAGOL đã hoàn thành từ lúc nào.
Khi cơ quan chức năng vào cuộc, 26 căn nhà đã hoàn thành. Theo quan sát của PV, trong dãy nhà này, có nhiều căn nhà đã làm xong gắn cầu thang bên trong, thậm có có căn đã lắp bàn thờ.