> Eurozone nhất trí tăng quỹ cứu trợ
Bong bóng bất động sản bị vỡ đã khiến Tây Ban Nha đứng trước một núi nợ tư nhân khổng lồ, tương đương 230% GDP, khoảng 2.400 tỷ euro.
Các nhà đầu tư bắt đầu tính tới khả năng Tây Ban Nha phải cầu viện cứu trợ từ Ngân hàng trung ương châu Âu, tuy nhiên, việc làm này sẽ đẩy Madrid đối mặt với một bài toán hóc búa, giảm chi tiêu trong khi vẫn phải duy trì tăng trưởng kinh tế.
Rõ ràng đây là một bài toán khó bởi vì có thể nói chính các biện pháp khắc khổ là nguyên nhân gián tiếp đẩy Tây Ban Nha rơi vào tình trạng hiện nay.
Trong bối cảnh nợ công đang tăng cao, Madrid đã buộc phải tiến hành hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng với mục tiêu giảm bớt gánh nặng nợ nần và điều này buộc người dân hạn chế chi tiêu.
Với các nền kinh tế phát triển dựa vào tiêu dùng như Tây Ban Nha, động thái này là đòn mạnh giáng vào tăng trưởng kinh tế. Khu vực nhà nước giảm biên chế, khu vực sản xuất hoạt động cầm chừng và hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha vọt lên mức cao nhất châu Âu, 23%.
Nếu bị buộc phải tiến hành thêm các biện pháp khắc khổ để nhận được sự hỗ trợ tài chính, hoạt động kinh tế Tây Ban Nha có nguy cơ sẽ còn ảm đạm hơn.
Trong suốt hai năm qua, mặc dù được Ngân hàng Trung ương châu Âu giải vây và trước mắt chưa bị chủ nợ đòi tiền, song Hy Lạp ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, thậm chí còn bị rơi vào một cuộc khủng hoảng mới khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đến mức báo động.
Với quy mô là nền kinh tế đứng thứ tư trong eurozone, lớn hơn nhiều lần so với Hy Lạp, chắc chắn các điều kiện cứu trợ mà Tây Ban Nha phải đối mặt sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều nếu buộc phải đề nghị Brussels ra tay cứu giúp.
Chính vì vậy, Madrid có nguy cơ cũng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn như nạn nhân Hy Lạp.
Sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và sắp tới có thể là Tây Ban Nha, chưa biết sẽ có thêm quốc gia nào trong eurozone trở thành nạn nhân tiếp theo của vòng xoáy không lối thoát này.