Phiên tòa siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như:

Vòng vây tín dụng đen

 Chủ nợ đại gia Nguyễn Thiên Lý ở phiên tòa năm 2009 và ở phiên tòa xét xử “đại án” Huyền Như
Chủ nợ đại gia Nguyễn Thiên Lý ở phiên tòa năm 2009 và ở phiên tòa xét xử “đại án” Huyền Như
TP - Hiếm khi có những vụ án liên quan đến tài chính khủng với cảnh chủ nợ và con nợ, cùng dắt tay nhau vào vòng tù tội. Ở “đại án” siêu lừa Huyền Như đang được xét xử, có một sự thật khiến ai cũng bất ngờ là những đại gia đã phất nhanh vì lãi suất đen.

Lãi... đen khủng

Cáo buộc của cơ quan tiến hành tố tụng cho biết có đến 9 chủ nợ mà Huỳnh Thị Huyền Như buộc phải vay “nóng” bên ngoài với lãi suất...khủng. Trong đó, có đến 5 chủ nợ gồm: Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí đã cùng Huyền Như ngồi trên hàng ghế bị cáo trước tòa.

Theo đó, chủ nợ Nguyễn Thị Lành đã cho Huyền Như vay khoản tiền ban đầu 5 tỷ đồng, lãi suất 0,4%/ngày và cứ 3 ngày đáo hạn một lần cả gốc và lãi. Đến năm 2011, Như đã nợ Lành tổng cộng số tiền là 7.841 tỷ đồng và Như đã trả cho Lành số tiền gốc lẫn lãi 9.028 tỷ đồng.

Huyền nợ bà Đào Thị Tuyết Dung số tiền là 265 tỷ đồng và trả được cho Dung số tiền là 440 tỷ đồng; nợ Hùng Mỹ Phương số tiền là 184 tỷ đồng và trả được cho Phương số tiền là 218 tỷ đồng và còn nợ của Phương 130 tỷ đồng; nợ Phạm Văn Chí 17,49 tỷ đồng và nhờ Chí đứng tên vay số tiền là 72 tỷ đồng.

Riêng với chủ nợ Nguyễn Thiên Lý, Huyền Như đã gặp Lý và mượn tiền với lãi suất 0,4%/ngày. Người phụ nữ sinh ra ở vùng đất Quảng Bình có gương mặt xinh đẹp này, tuy tuổi đời chưa qua 40 (sinh năm 1975) vốn thành danh nhanh chóng nhờ thị trường tín dụng đen đã không ngần ngại cho Như vay khoảng tiền “chào sân” ban đầu 100.000 USD và 3 tỷ đồng.

Dù bị “dính chưởng” vào các thương vụ “lướt sóng” bất động sản nhưng Như là người giữ lời hứa, nên lãi và nợ gốc đều được hoàn trả đúng hẹn, tạo sự tin tưởng cho các chủ nợ. Có niềm tin, Lý cho Như vay nhiều lần và mức lãi suất tăng lên 3,7%/ngày, với tổng số tiền cho Như vay tới 554 tỷ đồng và 340.000 USD.

Tính đến năm 2011, Như đã trả cho Lý tổng số tiền cả gốc và lãi là 1.296 tỷ đồng và hiện nay còn nợ của Lý số tiền là 216 tỷ đồng và 340.000 USD.

Tòa hỏi vì sao khách hàng lại tin tưởng đổ tiền về cho Như như vậy? Huyền Như giải thích: Đơn giản vì mức lãi suất hấp dẫn. Cụ thể, vào thời điểm Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất huy động tối đa chỉ 14%/năm thì Như sẵn sàng trả thêm phần lãi chênh lệch 3,5-7%/năm, có trường hợp đặc biệt của Cty cổ phần chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Huyền Như chấp nhận trả thêm lãi suất chênh lệch 16-18%/năm (tức lãi suất tổng cộng 32-36%/năm).

Giàu sụ vì lãi đen

Tại tòa, được mời lên thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Thiên Lý kể rành rọt về về khối tài sản đã bị kê biên. Đó là 146,7 tỷ đồng tiền mặt, 156.610 EUR, 2.629 USD, 920 đô la Singapore, 400 đô la Hồng Kông; một số vàng bạc, đá quý trang sức các loại trị giá 10 tỷ đồng; phong tỏa một sổ tiết kiệm của Lý do cháu gái đứng tên mở tại Ngân hàng ACB với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng.

Về bất động sản, lời khai của nữ đại gia này cũng khiến những người dự khán ngỡ ngàng với con số hàng trăm tỷ đồng. Trong đó phía cơ quan điều tra tiến hành kê biên 5 bất động sản hầu hết tập trung trên những con đường quan trọng, ở trung tâm TPHCM gồm: nhà đất tại số 34-36 Thủ Khoa Huân và nhà đất tại số 150 Lý Tự Trọng (đều thuộc phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) trị giá gần 90 tỷ đồng; nhà đất tại 26/4 Trần Quý Cáp trị giá 18,6 tỷ đồng, 1 căn hộ cao cấp tại tòa tháp Ruby khu dân cư Sài Gòn Pearl trị giá 12,3 tỷ đồng...Tổng trị giá tài sản kê biên lên tới hơn 318 tỷ đồng. Thế nhưng số tài sản ấy có lẽ chẳng thấm gì so với khối tài sản “chìm nổi” mà người đàn bà này đang nắm giữ.

Tại cáo trạng, phần lý lịch của bị cáo Lý có ghi: Phạm tội lần đầu, nhưng hình ảnh của người phụ nữ này xuất hiện trong phiên khai mạc khiến một số người có mặt tại tòa hôm ấy nhớ lại câu chuyện cách đây gần 5 năm.

Ngày 15/9/2009, cũng tại TAND TPHCM đã có phiên tòa phúc thẩm xét xử một bị cáo bị TAND quận Tân Bình tuyên phạm tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Bị cáo đó chính là Nguyễn Thiên Lý. Theo bản án, tối 19/6/2008, bà này đã mang 45.000 USD (quy định lúc đó chỉ được phép mang qua cửa khẩu 7.000 USD) ra nước ngoài mà không khai báo. Trong quá trình điều tra, ra hầu tòa, cũng như phiên tòa Huyền Như, bị cáo này được phép tại ngoại.

Ở phiên xét xử phúc thẩm hôm đó, Lý khai làm nghề buôn bán tự do, do mới trúng cổ phiếu nên định mang tiền sang Thái Lan phẫu thuật thẩm mỹ, khi đến sân bay thấy muộn giờ trong khi thủ tục rườm rà nên cô ta đánh liều mang theo.

Với hành vi trên, mức án 5 năm tù mà TAND quận Tân Bình đã tuyên quá nặng, bị cáo xin HĐXX phúc thẩm chiếu cố, xem xét, giảm nhẹ hình phạt và cũng xin được nhận lại số tiền vì hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, HĐXX đã tuyên mức án 4 năm tù vì bản án sơ thẩm đã tuyên đúng người đúng tội, sau khi xét các tình tiết giảm nhẹ khác.

Với mức án 4 năm tù giam và xét theo thời gian đối chiếu của vụ án Huyền Như, thì lời khai của người phụ nữ “hoàn cảnh khó khăn” đã không thật. Bởi từ năm 2007, Lý đã giao dịch cho vay nguồn tài chính đen với Như. Và nguồn tiền mà Như vay từ Lý chỉ vài trăm tỷ, nhưng khi hoàn gốc lẫn lãi, chưa kể con số nợ vẫn còn nợ chủ nợ này, thì đã lên hơn nghìn tỷ đồng. Một con số khủng.

Khi tòa hỏi về nguồn gốc khối tài sản “khủng”, Nguyễn Thiên Lý khai, có được nhờ công việc kinh doanh. Cụm từ “kinh doanh” mà bà Lý nói, trong dân kinh doanh bất động sản ai cũng hiểu. Đó là vòng xoay của tín dụng đen và nguồn vốn lãi đen ấy được hoán đổi, đổ vào bất động sản và siết nợ.

MỚI - NÓNG
Tình hình hồ thủy điện Thác Bà
Tình hình hồ thủy điện Thác Bà
TPO - Bộ Công Thương đã kiểm tra đập chính và 8 đập phụ của hồ thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Kiểm tra trực quan đập không có bất thường. Hiện đập chính đang xả tối đa qua 3 cửa xả với lưu lượng 3.000 m3/s. Bộ Công Thương yêu cầu nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường.