Đại án Huyền Như: Đại diện Vietinbank gây sốc

Huyền Như áp dụng chiêu không biết, không nhớ trong suốt phiên xử hôm qua
Huyền Như áp dụng chiêu không biết, không nhớ trong suốt phiên xử hôm qua
TP - Ngày xét xử thứ năm (10/1), một số bị cáo trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo 4.000 tỷ đồng bắt đầu “chơi chiêu” im lặng. Các luật sư tiếp tục xoáy vào trách nhiệm của Vietinbank và đề nghị triệu tập lãnh đạo ngân hàng này đến tòa để làm rõ trách nhiệm của ngân hàng này.

Điệp khúc “3 không”

Trả lời chất vấn của các luật sư, nhiều bị cáo dụng chiêu “3 không”: lắc đầu, không nhớ, im lặng. Trước đó trong phiên thẩm vấn ngày 9/1, chiêu này đã được bị cáo đầu vụ là Huỳnh Thị Huyền Như áp dụng, nay tiếp tục đến bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó phòng giao dịch Nhà Bè, Vietinbank).

Có đến 4 vị luật sư hỏi Huyền Như, bị cáo này liên tục diễn điệp khúc “3 không”, khiến nhiều người có mặt trong phòng xử bày tỏ sự khó chịu trước thái độ thiếu tôn trọng pháp luật của Như. Đặc biệt, những câu hỏi liên quan đến việc khách hàng gửi tiền vào Vietinbank, hay gửi cho bị cáo Huyền Như, bị cáo này đều nói “đã khai ở cơ quan điều tra”, hoặc không trả lời. Võ Anh Tuấn cũng nói “không nhớ, không biết, đã khai với cơ quan điều tra”.

Đến lượt luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng ACB). “Mong rằng chị Huyền Như hợp tác với chúng tôi. Chị vào làm việc tại Vietinbank năm nào? Được bổ nhiệm chức danh quyền trưởng phòng năm nào?”. Như khai, vào làm từ năm 2001 và được bổ nhiệm năm 2010. Luật sư truy tiếp, phòng Giao dịch Điện Biên Phủ nơi Như làm Quyền trưởng phòng có phải là chi nhánh cấp 1 không ?”. Như: “Tôi không rõ”.

Luật sư Tám liền công bố sơ đồ của Vietinbank, cho thấy phòng giao dịch Điện Biên Phủ chính là chi nhánh cấp 1. “Trưởng phòng giao dịch, theo chị là chức danh quản lý của ngân hàng không?”, luật sư hỏi. Như lại dụng chiêu: “Dạ không rõ”. “Cương vị cao nhất phòng giao dịch là chị đúng không ?”. Như im lặng. Luật sư hỏi tiếp: “Thì bị cáo có quyền cao nhất phòng giao dịch hay không thôi, đơn giản vậy mà?”. Lúc này Như mới hé môi: “Dạ phải”.

Tự nhận đã lừa đảo

Liên quan đến số tiền ACB gửi vào Vietinbank, luật sư Tám cũng truy vấn Như. “Khi huy động ACB, chị có trao đổi gì với bà Hương - Phó Giám đốc Vietinbank TPHCM để ký 32 hợp đồng?”. Như đáp: “Anh Hoàng, chị Hương, ký hợp đồng tôi không biết. Tôi tự đàm phán với chỗ chị Ngọc bên ACB”. “Sao bị cáo không ký trực tiếp với 17 cá nhân của ACB, mà để ông Hoàng bà Hương ký ?”, luật sư hỏi. Bị cáo Như: “Tôi không trả lời”. “Vậy ông Hoàng bà Hương ký 32 hợp đồng thì có đúng quy định pháp luật?”, luật sư tiếp. Bị cáo Như: “Tôi không trả lời”.

Lúc này luật sư công bố bản cung Huyền Như khai tại cơ quan điều tra, rằng 32 hợp đồng là đúng quy định pháp luật. “Theo chị, sau khi Vietinbank ký 32 hợp đồng, thì số tiền đó chuyển vào Vietinbank chưa?” - luật sư hỏi. Bị cáo Như: “Tôi không trả lời”.

Luật sư lại công bố tại tòa về 32 hợp đồng tiền gửi của 17 cá nhân ACB gửi vào Vietinbank TPHCM, “chị có xác định được không?”. Lúc này bị cáo mới phản bác lại rằng: “Kính thưa HĐXX, cơ quan điều tra xác định rồi, bị cáo khẳng định là bị cáo lừa đảo chiếm đoạt. Bị cáo cho là 32 hợp đồng sai”...

Đại diện Vietinbank bị phản đối

Luật sư Lưu Văn Tám đề nghị với HĐXX cần phải triệu tập Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) Phạm Huy Hùng đến tòa để trực tiếp trả lời các thắc mắc của luật sư. Bởi vì ông Hùng vừa phát biểu trên báo chí (ngày 9/1), rằng Vietinbank không liên quan gì đến vụ án Huyền Như, do tiền của khách hàng chưa vào đến tài khoản của VietinBank.

Trong phiên xet xử ngày 9/1, 29 luật sư cũng đặt ra đến 36 câu hỏi để “mổ xẻ” trách nhiệm Vietinbank, nhưng chưa được hồi đáp. Chiều qua, chủ tọa phiên tòa đã mời đại diện ngân hàng này lên trả lời. Dù xuất hiện ở tòa với tư cách là đại diện Vietinbank nhưng vị này lại nói rằng sẽ trả lời với tư cách cá nhân(!).

Người đàn ông này tiếp tục lập luận về nghiệp vụ ngân hàng: “Không có câu trả lời cho câu hỏi về trách nhiệm quản lý tài khoản. Không ai quản lý tài khoản, mà quản lý sổ sách chứ không ai quản lý tài khoản. Trách nhiệm của ngân hàng không quản lý tài khoản…”.

“Nếu các hợp đồng khách hàng ký với Vietinbank xác định là thật, con dấu thật, chữ ký thật thì Vietinbank chịu trách nhiệm”, vị đại diện Vietinbank trả lời tiếp. Chuyển sang trả lời câu hỏi khác, “Ngân hàng Vietinbank có thiệt hại không, nguyên cán bộ ngân hàng bị truy tố?”. Ông này cho rằng, việc này để cơ quan chức năng xét xử, không có ý kiến.

Các luật sư cho rằng, người đại diện Vietinbank nhưng trả lời với tư cách cá nhân, vậy không có tư cách trong phiên tòa. Luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ cho Navibank đã yêu cầu HĐXX cho hoãn tòa, triệu tập người đại diện theo pháp luật của Vietinbank để trả lời trực tiếp, giải quyết những vấn đề cụ thể chứ không thể có cách trả lời như người đại diện Vietinbank hôm nay. Trước phản ứng của phía luật sư, vị đại diện Vietinbank đã đứng lên đính chính, ông ta trả lời câu hỏi của phía luật sư với tư cách là... đại diện Vietinbank.

Phiên tòa tạm nghỉ đến 13/1 làm việc trở lại.

Hàng loạt câu hỏi được luật sư đặt ra, như phòng giao dịch của Như có được nhận tiền gửi, chi trả tiền gửi, có mở tài khoản không, huy động vốn thì chính sách của Vietinbank có chi trả phần ngoài lãi suất không? Song, Huyền Như đều trả lời: “Tôi không nhớ”.

MỚI - NÓNG