“Trước thực tế hoạt động của hãng hàng không lớn nhất quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid -19 , chúng tôi đã chủ động đề xuất và phối hợp với Vietnam Airlines (VNA) xây dựng phương án để SCIC tham gia đầu tư vốn, trước mắt là xử lý tình trạng thiếu hụt nguồn tài chính và dòng tiền. Sau khi trở thành cổ đông, SCIC sẽ tham gia tái cấu trúc VNA không chỉ vượt qua khó khăn, mà còn phát triển mạnh mẽ thời hậu Covid-19”, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC cho biết.
Theo ông Chi, để tái cấu trúc VNA phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Về tài chính, ngoài khoản đầu tư của SCIC, VNA phải huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau như đi vay trong và ngoài nước, phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Bên cạnh đó phải tái cấu trúc các khoản nợ bằng cách đàm phán với chủ nợ để khoanh nợ, giãn nợ.
“Hiện tại, hai bên đã đi đến thống nhất và đang chờ tín hiệu từ các cơ quan có thẩm quyền để triển khai. Đây là thương vụ rất có ý nghĩa đối với cả SCIC lẫn Vietnam Airline. Chúng tôi sẽ tham gia tái cấu trúc hãng hàng không quốc gia để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Chi cho biết.
Nếu được giao làm đại diện vốn nhà nước tại Vietnam Airlines, với tư cách là cổ đông giữ cổ phần chi phối, SCIC sẽ tham gia tiến trình tái cơ cấu hãng hàng không quốc gia để hoạt động hiệu quả hơn", ông Chi nhấn mạnh.
Theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, thì Nhà nước chỉ đầu tư vào doanh nghiệp hoạt động trong 4 lĩnh vực gồm, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
Như vậy, VNA không thuộc lĩnh vực Nhà nước đầu tư thêm vốn, trong khi nguồn vốn đầu tư của SCIC hiện rất dồi dào, đủ khả năng “bơm” cho hãng hàng không này hàng ngàn tỷ đồng. Chính vì vậy, SCIC và VNA đã làm việc với các bộ, ngành hữu quan và đang chờ từ trên Chính phủ cho ý kiến để xử lý.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động năm 2006 đến nay, SCIC đã giải ngân đầu tư gần 28.500 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên toàn danh mục đầu tư (ROE) trong giai đoạn 2006-2019 đạt 13%. Để hiện thực mục tiêu trở thành "nhà đầu tư của Chính phủ", trong giai đoạn 2020 - 2025, SCIC dự kiến giải ngân đầu tư 13.000 - 16.000 tỷ đồng mỗi năm và tập trung vốn vào những ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế.
“Cơ chế, chính sách nếu vướng mắc không phải không có cách tháo gỡ. Vấn đề là phải bắt tay vào làm ngay, nếu không cơ hội đầu tư sẽ trôi qua, nguy hiểm hơn, doanh nghiệp gặp khó khăn mà không hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời thì nguy cơ thua lỗ, mất vốn nhà nước rất lớn”, ông Chi nói.