> Mất hàng trăm tỷ vì than tồn kho
Đầu tư dài, vốn vay lại… ngắn
“Chưa bao giờ ngành điều đau thương như thế”- ông Đỗ Hà Nam - TGĐ Cty XNK Intimex thốt lên. Có đến 50% lượng điều thô của DN trong nước được nhập từ châu Phi.
Năm ngoái, khi các DN mua điều thô ở mức giá đỉnh gần 40.000 đồng, nhưng khi giá xuống chỉ còn 20.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng/kg. Tiền thì vay ngân hàng, trong khi hàng xuất không được, đối tác nước ngoài lại không trả tiền… dẫn đến hầu hết các DN điều bị tồn kho rất lớn.
“Thử tưởng tượng với 10.000 tấn điều mua vào mất khoảng 400 tỷ đồng, khi giá rớt xuống còn một phần tư, đúng lúc NH đến hạn đòi nợ, DN buộc phải đi vay nóng của người nông dân trả nợ NH, khi không còn tiền trả nữa, bị NH siết nợ…”. Tất cả những điều đó theo ông Nam đã đẩy DN vào tình thế thất hứa mang tiếng lừa đảo và… sụp đổ”.
Ông Nam đơn cử: với lãi suất vay 25%/năm, chỉ trong vòng 2 năm DN bị mất 50% vốn, phá sản và trở thành lừa đảo. Dạng này theo ông, chiếm phần lớn trong số các DN vỡ nợ và bị quy tội lừa đảo.
Chưa kể nhiều DN phải dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư nâng cao chất lượng vì nếu không, nước ngoài không mua sản phẩm.
“Giờ đi kiểm tra thử có bao nhiêu DN đầu tư dài hạn mà vay được vốn trung và dài hạn? Thực tế, hầu như DN đều phải dùng vốn tự có hoặc vốn ngắn hạn” - Vị đại diện ngành điều khẳng định.
Ông Lê Phước Vũ- Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN cũng chung nhận xét sự suy yếu của DN hiện nay cực kỳ nguy hiểm mà nguyên nhân chính là do lãi suất ngân hàng quá cao. Ông nói: “Vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là giảm lãi suất. Nếu DN chết, tôi tin NH cũng chết theo phép cộng sinh”.
Cần sự thông hiểu
Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN Cáp Quang Dương thừa nhận vấn đề mức lãi suất xuống dưới 15%/năm và những đối tượng ưu tiên là 12% vẫn là ảo nhưng không thể giải quyết vấn đề này sớm mà đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có vốn.
Vấn đề rất quan trọng NH hiểu rõ năng lực tài chính của DN và thấy DN nào đáng tin cậy kể cả đang lỗ tạm thời hoặc không có tài sản bảo đảm… vẫn sẵn sàng “trao” vốn.
Đối với việc giảm lãi suất nợ cũ xuống tối đa 15%/năm, ông Dương cho biết, tính đến thời điểm này (17-7), đã có 20 tổ chức tín dụng triển khai, chiếm gần 90% thị phần tín dụng cả nước. Số còn lại là các tổ chức tín dụng nhỏ và chi nhánh các NH nước ngoài.
Về việc DN khó tiếp cận vốn lãi suất thấp, ông Dương cho biết, NHNN đã phối hợp với UBND TPHCM và TP Hà Nội đề ra giải pháp lập danh sách những DN tự tin có đủ điều kiện để vay, hưởng lãi suất thấp, cơ cấu lại nợ để tiếp tục vay mới… tập hợp về chi nhánh NHNH thành phố để cùng các NHTM tìm cách giải quyết.
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm của cả nước đạt giá trị 53,33 tỷ USD, tăng 22,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên, đóng góp xuất khẩu của DN trong nước còn khiêm tốn, chỉ tăng 4,1% (giá trị 20,5 tỷ USD). Đa số các mặt hàng nông lâm thủy sản (trừ hồ tiêu) đều có xu hướng giảm về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ 2011, giảm mạnh nhất là cao su, gạo. Trung Quốc vươn lên là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của VN. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hà Nam, có những thị trường không ổn định như châu Phi, châu Á, đặc biệt thị trường Trung Quốc. Có những lúc thị trường TQ là cứu tinh nhưng có những lúc là tai họa cho nông sản VN. |