Cả tuần nay anh Hoàng Văn Tiến- Giám đốc Cty lâm nghiệp Anh Sơn - Nghệ An hầu như phải thức trắng đêm, mặt mũi bơ phờ vì phải vào thung lũng Khe Xán để cùng với tổ bảo vệ rừng và dân bản xua đuổi đàn voi.
Mặc dù được cảnh báo đàn voi rừng rất hung dữ, đường vào thung lũng Khe Xán hiểm trở nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm hành trình tìm voi. Vất vả lắm chúng tôi mới vượt được qua con dốc Phân Thủy, phía dưới dốc là thung lũng Khe Xán bát ngát một màu xanh của rừng xen lẫn 12 hộ dân cư sống độc lập như một ốc đảo.
Người dân đang tập trung tại nhà ông Cử, họ xếp đống củi khô phía sau nhà để sẵn sàng đốt lửa đuổi voi, nét mặt ai nấy vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Cử cho biết: “Đêm trước tôi ra sau vườn để sửa máy thủy điện mini, bỗng nghe dưới ruộng có tiếng động ầm ầm.
Qua ánh đèn pin thấy một đàn voi to lớn đang lội ruộng, tiến thẳng vào căn nhà. Tôi tháo chạy kêu cứu, dân trong xóm lao đến, người đốt lửa, kẻ gõ xoong nồi náo loạn cả lên. Đàn voi rống lên mấy tiếng chói tai rồi quay đầu thủng thẳng đi vào rừng”.
Đêm đó cả làng không dám ngủ vì sợ đàn voi sẽ quay lại. Buổi chiều hôm sau chúng lao từ rừng xuống, con voi đực tách đàn bước qua chiếc cầu tạm khiến cây gỗ bị gãy đôi.
“Sợ quá, tôi cùng với các con chạy vào nhà chốt trái cửa, cầu trời khấn Phật “ông voi” thương tình đừng phá nhà. Voi đi thẳng xuống bếp huơ vòi, ngửi thấy mùi khói nó lại quay ra, tôi nghĩ lúc đó mà nó nổi xung thì chỉ một cú húc là tan tành cả nhà” - Ông Cử kể.
Bên kia là nhà chị Đinh Thị Huyền. Chị Huyền đang bồng con nhỏ, đôi mắt lộ rõ vẻ khiếp đảm: “Khoảng 8 giờ tối, nghe tiếng chân bước thình thịch ngoài sân, hé cửa thấy bóng đàn voi cao lớn, tôi vội ôm hai con nhỏ chui xuống gầm giường. Nghĩ tới cảnh ông Thân bị voi quật gãy chân tôi sợ hết hồn”.
Voi đứng trước sân nhà dùng vòi vơ quần áo, rồi thò vòi qua cửa sổ cuốn đứt hết cả dây màn. Một lát sau, chúng ào xuống ruộng lúa cách sân chừng 30 m. Chị Huyền chạy ra sân kêu cứu, dân làng chạy đến dùng đèn, đốt lửa la xua đuổi nhưng đàn voi càng trở nên hung hãn. Chúng lao từ ruộng lúa lên tấn công.
Chị Huyền dẫn chúng tôi ra ruộng lúa mắt ngấn nước: “Gia đình tôi làm được 4 sào lúa, voi phá hết rồi, vụ này lấy chi ăn đây?”. Sức tàn phá của đàn voi thật ghê gớm, chúng đi tới đâu là ruộng nương tan tành tới đó. Để bảo vệ tính mạng, dân xóm Khe Xán phải sơ tán người già và trẻ em lánh nạn sang địa bàn khác. Thanh niên, trung niên thức trắng đêm để đuổi voi.
Ông Nguyễn Ngọc Trung hơn 70 tuổi nói: “Đốt lửa, khua chiêng gõ mõ cũng chẳng ăn thua, tính mạng chúng tôi đang rất nguy hiểm. Các anh ở tỉnh về có cách gì kêu giúp không chúng tôi chết mất!”. Ông Tiến giám đốc Lâm trường Anh Sơn cho biết: “Khoảng 100 ha tre, nứa ở Khe Xán đã bị phá hủy. Chúng đang tiến vào các cánh rừng Bò, Bãi Lim”.
Vào rừng tìm voi
Ông Hòa ở Khe Xán cho hay: “Đàn voi rừng này rất lạ, chúng có vẻ ghét tiếng nổ của động cơ và đồ sắt thép!”. Cả làng có 3 cái máy xay xát, kể từ khi voi về máy móc phải im bặt tiếng. Xe máy của bà con đi về đến dốc khe Phân Thủy là phải tắt máy, chỉ cần nghe tiếng nổ là cứ như bị kích động, chúng ào từ trong rừng ra bất chấp ngày hay đêm, giày xéo ruộng lúa, tấn công cả trâu, bò, lợn, chó.
Hôm trước trong xóm có người cho vận hành máy xay xát lúa, đàn voi lồng lộn lao ra khiến chủ nhà phải tắt máy. Năm 1997, đàn voi về bản Cao Vều, xã Phúc Sơn đã bị bắn chết một con, kể từ đó chúng rất ghét tiếng nổ. Chúng thích ăn lá mét non khoảng 4-5 tuổi, mía, vơ cả quần áo vì theo người dân mồ hôi có chất muối trong đó. Ăn no chúng còn dùng vòi quật nát tất cả mọi thứ.
Biết chúng tôi có ý định vào rừng để tìm voi, anh Dũng cán bộ lâm trường nói: “Như vậy là rất mạo hiểm, vì chúng ẩn nấp trong rừng nứa, có thể tấn công bất cứ lúc nào”. Chị Huyền vừa vào rừng hái măng chạy ra cho biết đàn voi đang ăn lá mét phía rừng Bò. Chúng tôi cùng 3 người nữa quyết định tiến vào rừng Bò, anh Dung là “tổng chỉ huy”, theo lệnh của anh, chúng tôi vừa đi vừa phải lắng nghe tiếng động của voi để giữ khoảng cách. Bất thình lình đối mặt với đàn voi thì chẳng còn đường về.
Cánh rừng Bò chủ yếu là rừng hỗn giao, xanh tốt, rậm rạp. Vượt qua một dốc cao dựng đứng, đi xuống khoảng dăm chục mét đã thấy dấu chân voi. Những thân cây trụi lá, gãy nghiêng ngả, bước chân chúng đi tới đâu khu rừng tan hoang tới đó. Theo lối cây bị ngã rạp thì phía trước mặt thấy rừng nứa, mét như rung chuyển. Chúng tôi ngồi thụp cả xuống. Tôi cầm máy ảnh tìm vị trí để tiếp cận đàn voi, anh Dung hoảng hốt: “Trời âm u, nhà báo mà chụp ảnh nó loé đèn chớp lên thì mất mạng cả đoàn!”. Trời xẩm tối, đàn voi đủng đỉnh tiến vào rừng.
Di dời dân hay di dời voi?
Đàn voi đã tác oai tác quái hơn một tuần nay, gây kinh hoàng với người dân vậy mà khi trao đổi thì bà Nguyễn Thị Quý- Chủ tịch xã Hội Sơn ngạc nhiên: “Tôi có biết gì đâu, nếu sự thực như vậy để báo với huyện, xã không thể kham nổi”. Bà Quý còn nói: “Anh lên huyện thì nói với kiểm lâm là voi về để trên có phương án giúp dân”.
Bà Võ Thị Hồng Lam- Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn hứa: “Chúng tôi cũng sẽ có phương án xua đuổi đàn voi. Nhưng cũng rất lo, đề nghị Nhà nước nên có kế hoạch để đưa đàn voi vào rừng sâu nếu không tính mạng người dân sẽ bị đe doạ”.
Hàng trăm hộ dân sống ở bìa rừng Hội Sơn đang hết sức lo lắng vì sợ voi rừng tấn công, nhiều người mong muốn sớm được di dời đi nơi khác để đảm bảo tính mạng. Ông Trung ở Khe Xán than thở: “Không di dân thì voi rừng sẽ giết chúng tôi bất cứ lúc nào”.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Từ- Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An. Ông Từ cho biết: “Chúng tôi đã giao cho Hạt Kiểm lâm Anh Sơn vào các điểm voi về ở Bãi Lim (Phúc Sơn), Khe Xán (Hội Sơn) để cùng dân canh phòng, xua đuổi đàn voi”. Chúng tôi hỏi: “Nên di dời đàn voi vào rừng sâu hay di dời dân?”.
Ông Từ nói: “Biện pháp di dời voi là không thể vì kinh phí tốn kém, điều kiện kỹ thuật hạn chế. Chi cục Kiểm lâm đã giao cho Vườn quốc gia Pù Mát xây dựng dự án bảo vệ đàn voi. Có thể di dời những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn”.
Rời rừng Bò về tới Khe Xán đã tối, chúng tôi thấy người dân tụ tập tại nhà ông Cử rất đông, họ mang theo cả xoong, nồi, chậu, tập kết củi đuốc ở các điểm trọng yếu. Người dân Khe Xán lại phải nhiều đêm thức trắng canh đuổi voi rừng!