Hồng Đăng và tài tiên tri
Đông gương mặt văn nghệ sĩ Hà Nội có mặt trong buổi ra mắt sách Chân trời gọi nắng, chiều 21/3 tại Hà Nội. Ngày này cách đây một năm, nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời.
Giữa các phần chia sẻ là phần biểu diễn của các ca sĩ Đào Tố Loan, Thanh Tâm, Vũ Thắng Lợi, Quỳnh Hoa với các sáng tác Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Ký ức đêm và Đường về hoàng hôn.
Nhạc sĩ Doãn Nho cẩn thận soạn thành văn bản bài phát biểu về tác giả Biển hát chiều nay. Ảnh: HÒA NGUYỄN. |
Nhạc sĩ Doãn Nho gọi Hồng Đăng là “nhạc sĩ quý hiếm” vì khối lượng tác phẩm đồ sộ cả về ca khúc và khí nhạc. Ông cũng viết nhiều giáo trình chuyên môn đến nay vẫn được sử dụng. “Điều bất ngờ lớn nhất ngoài tưởng tượng về ông là tài tiên tri”, nhạc sĩ lão thành nói.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã phải nén xúc động kể về những kỷ niệm giữa người chồng quá cố của chị (nhà văn, biên kịch Lê Phương) và nhạc sĩ Hồng Đăng. Chị cho hay hai người bạn thân khi ngồi bên nhau phần lớn là im lặng, trong cuộc gặp đông người cũng vậy. Thỉnh thoảng cả hai chỉ chêm vào một câu nói hài hước.
Ca sĩ Đào Tố Loan mở đầu chương trình bằng Biển hát chiều nay. |
Trịnh Thanh Nhã kể: “Tôi biết anh Hồng Đăng khi lấy chồng cách đây 40 năm. Hai anh có lúc nào chém gió với nhau không tôi không rõ, nhưng rất ít khi thấy họ nói nhiều. Khó mà biết họ gắn bó nhau vì cái gì ngoài tài xem tử vi. Khá nhiều lần tôi bắt gặp họ tranh luận về một bản tử vi nào đó. Nhưng họ không bao giờ phán định về nhau, về các mối quan hệ của nhau mà chấp nhận nhau, chấp nhận gia đình bạn bè nhau: Bạn tôi có gì thì tôi yêu cái đó...”.
Chị cho hay sau khi đọc lướt qua cuốn sách thấy rất giá trị vì nó truyền tải những thăng trầm mà đời nghệ sĩ phải trải qua. Chị cũng khẳng định “nghiêng mình” thán phục bà Lê Anh Thúy, bởi chị cũng muốn làm sách cho chồng mà không thể: “Tôi không làm được vì cứ động đến ghi chép của chồng là tôi khóc”. Người dẫn chương trình, nhà phê bình Phạm Xuyên Nguyên cho biết tháng 4 tới là giỗ đầu của nhà văn Lê Phương.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã xúc động chia sẻ kỷ niệm về nhạc sĩ Hồng Đăng. |
Diễn viên điện ảnh, NSƯT Thanh Tú cho biết nhạc sĩ Hồng Đăng và chồng chị là đạo diễn Phạm Kỳ Nam là bạn thân. Thanh Tú kể khi chị đang ở giai đoạn đỉnh cao của nghề, Hồng Đăng lại “phán”: "Em không phải làm nghề này đâu. Em đi tu và làm giáo viên". Khi chị tỏ vẻ nghi ngờ, nhạc sĩ nói: "Cứ sống hết đời đi sẽ thấy nó là như thế".
"Và đúng là như thế đấy ạ", Thanh Tú khẳng định và kể thêm: “Tôi thích xem tử vi nên hay hẹn gặp anh nhưng phải đứng ở đầu đường nhờ người vào nhắn vì tôi sợ chị Ly (vợ trước của nhạc sĩ) không dám vào. Anh và tôi ra vườn hoa trao đổi. Tôi bảo anh em mình thế này tình ngay lý gian đấy. Anh cười: Không, anh thấy tình gian lý gian đấy".
Bất ngờ tìm thấy tác phẩm thất lạc
Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ, đồng hương Yên Thành, Nghệ An với nhạc sĩ Hồng Đăng điểm lại những mốc chính trong gia tộc Phan Đăng Dư (ông nội của Hồng Đăng), Phan Đăng Lưu (bác của Hồng Đăng) và Phan Đăng Tài (bố của nhạc sĩ).
Ông khẳng định năng khiếu âm nhạc, văn hóa và tử vi của Hồng Đăng thừa hưởng từ ông nội là một nhà nho danh tiếng trong vùng. Năm 2016, Nguyễn Thế Kỷ viết vở kịch Hừng đông sau đó chuyển thể sang tiểu thuyết cùng tên kể về cuộc đời của chí sĩ, liệt sĩ Phan Đăng Lưu - người từng được đề cử làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1940 (nhưng từ chối), bị thực dân Pháp bắt và xử bắn năm 1941. Ông Kỷ cho biết tiếp tục tìm hiểu về mảng lý luận văn học của Phan Đăng Lưu, bởi cụ Phan biết nhiều ngoại ngữ, dịch nhiều sách...
Đời tôi nhiều gian truân, trắc trở, lên bờ xuống ruộng. Năm 1963, Tiệp Khắc mở cuộc thi sáng tác quốc tế ca khúc về hòa bình và hữu nghị. Tôi viết tác phẩm lấy tên là Sóng biển lang thang. Sau khi gửi đi được họ mời sang dựng ca khúc đó nhưng người ta không cho đi. Ba tháng sau có giấy báo tác phẩm được giải thưởng lớn (không có giải Nhất), vượt qua hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ của 30 nước. Tôi từng bị khép là thành phần xét lại”, nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ trên báo tháng 9/2016.
Bà Anh Thúy cùng người dẫn chương trình, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. |
Cuối buổi gặp gỡ, bà quả phụ Lê Anh Thúy nghẹn ngào chia sẻ: “Hôm nay là một buổi vô cùng cảm động của cuộc đời chúng tôi. Tôi cứ nghĩ khi anh chết, cái giỗ của anh sẽ làm như thế nào… Tôi cứ nghĩ nếu một nghệ sĩ không còn trên đời nữa mà (tác phẩm) cũng biến mất nữa rất đáng tiếc.
Khi dọn dẹp nhà cửa, trong đống di cảo, tôi đọc và tôi thấy có những góc của anh ấy mà ngay tôi cũng không hiểu. Không hiểu anh đã từng đau đớn thế nào, từng khó khăn thế nào để làm nghề. Và làm nghề một cách chân chính. Và tôi nghĩ tôi sẽ làm một cuốn sách để mọi người thấy rằng anh ấy đã sống như thế, đã làm được những điều như thế, và con người anh ấy là như thế... Hôm nay đối với tôi đây là ngày giỗ của anh Hồng Đăng. Vì nếu làm ở nhà tôi không thể nào mời được nhiều như thế này".
Bà Thúy cho hay bài Sóng biển lang thang được giải quốc tế nhưng nhạc sĩ không được nhận nên ông đã bức xúc, xé bản nhạc đi và "dúi vào một cái xó nào mà chính anh ấy cũng không tìm thấy. Sau này anh ấy không thể viết lại được vì chỉ nhớ được giai điệu chính.
Nguyên tắc sáng tác còn phải có phần phát triển. Cho nên đến khi in tập nhạc cũng chỉ có đoạn đấy. Và như thế không thể thành ca khúc. Anh ấy không làm lại được nữa. Thế nhưng mà tôi đã tìm thấy! Cùng rất nhiều thứ mà bản thân anh có lẽ cũng quên đi trong cuộc đời. Tôi mới thấy anh ấy làm nghề nghiêm túc. Và đây mới chỉ là một phần nhỏ trong di cảo của anh".
Bà cũng khẳng định sẽ ra cuốn sách tiếp theo chuyên chỉ nói về chuyện xem tử vi của nhạc sĩ.
Bà Lê Anh Thúy và Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đức Trịnh. Ông Đức Trịnh khẳng định trong giới nhạc sĩ, sáng tác cả ca khúc lẫn khí nhạc đều thành công như Hồng Đăng là "của hiếm". Ảnh: HÒA NGUYỄN |