Hà Nội phải là tâm điểm của sáng tạo và phát triển văn hóa

TPO - Trong phiên thảo luận sáng 21/3 của hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", các đại biểu tập trung làm rõ đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đồng thời nhận diện các nguồn lực văn hóa. 

Thăng Long văn minh, bách nghệ

Trong phiên thảo luận sáng 21/3, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận về văn hiến Thăng Long, giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hiến Thăng Long. GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên nêu từ xa xưa, Thăng Long đã là một điểm đến lý tưởng cho cộng đồng các cư dân từ mọi vùng xung quanh.

“Văn hiến Thăng Long chính là sự kết tinh, sự thu nhỏ của văn hiến dân tộc và là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến dân tộc ấy. Chính vì vậy, nói tới văn hiến Thăng Long là nói tới văn hóa Thăng Long kết hợp với kẻ sĩ Thăng Long, những hiền tài của đất Thăng Long”, GS.TS Đặng Cảnh Khanh nêu.

Hà Nội phải là tâm điểm của sáng tạo và phát triển văn hóa ảnh 1

GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên. Ảnh: MINH AN.

Ông khẳng định văn hóa, lối sống, nhân cách của Thăng Long - Hà Nội là biểu trưng cho văn hóa, lối sống nhân cách từ các vùng khác. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội không chỉ là sự phản ánh lại những đặc điểm chung trong cuộc sống, lao động sinh hoạt của vùng này mà còn chính là tinh hoa của văn minh chung.

"Thăng Long bách nghệ, Thăng Long văn minh là còn nhờ ở sự góp sức của người dân tứ phương. Họ còn là đại diện cho con người của toàn quốc. Văn hóa, lối sống nhân cách của Thăng Long - Hà Nội là biểu trưng cho văn hóa, lối sống nhân cách từ các vùng khác", GS.TS Đặng Cảnh Khanh

GS.TS Đặng Cảnh Khanh chia sẻ rằng hơn một nghìn năm trôi qua, kể từ khi Lý Thái Tổ chọn Thăng Long là kinh đô của đất nước, sự phát triển của Thăng Long cũng là biểu trưng cho sự phát triển của đất nước.

"Chúng ta cần quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long không phải chỉ cho các thế hệ tương lai của thủ đô mà còn cho cả đất nước", GS.TS Đặng Cảnh Khanh nêu.

Hà Nội phải là tâm điểm của sáng tạo và phát triển văn hóa ảnh 2

Thăng Long là điểm đến lý tưởng cho cộng đồng các cư dân từ mọi vùng xung quanh. Ảnh: TL.

Sử gia Ngô Thì Sĩ khi nói về trường hợp của Lê Quý Đôn cũng cho rằng phải thông qua môi trường học vấn của Kinh đô Thăng Long Lê Quý Đôn mới có thể trở thành một ông bảng nhãn uyên bác đến như vậy, mà “nếu chỉ ở Thái Bình thôi thì quyết không bao giờ có được”.

Giấc mơ xây dựng thành phố hai bên sông Hồng

Câu chuyện sông Hồng trong phát triển đô thị, kinh tế - xã hội và văn hóa Hà Nội được thảo luận sôi nổi trong phiên sáng 21/3. Tiến sĩ. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nêu quan điểm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản vật thể trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể trong quy hoạch, trước hết cần chú ý nhận diện quỹ di sản. Hà Nội là nơi quy tụ quỹ di sản đô thị đa dạng và lớn nhất nước về số lượng, bao gồm gần 6.000 di sản văn hóa vật thể và gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể.

“Đến nay, công bố về quỹ di sản đã thể hiện cố gắng lớn của cả quá trình đã qua, song đây chưa phải là đích đến cuối cùng. Trong các lần quy hoạch trước đây đều có đánh giá quỹ di sản, có phụ lục danh mục di sản nhưng thực tiễn đều thấy có biến động ở giai đoạn sau quy hoạch. Nguyên nhân là do nhận thức về tiêu chí, biến đổi từ lực lượng tham gia nghiên cứu, từ hội nhập với bên ngoài”, TS. Đào Ngọc Nghiêm phân tích.

Hà Nội phải là tâm điểm của sáng tạo và phát triển văn hóa ảnh 3

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cần nhận diện quỹ di sản Hà Nội.

Ông đề xuất chú trọng tới các khu vực đặc thù của Thủ đô như khu phố cổ, khu phố cũ, khu trung tâm chính trị Ba Đình, khu cảnh quan thiên nhiên đặc thù, các làng cổ, làng nghề, phố nghề...

Hà Nội là nơi quy tụ quỹ di sản đô thị đa dạng và lớn nhất nước về số lượng, bao gồm gần 6.000 di sản văn hóa vật thể và gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng đô thị có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn gìn giữ.

“Với Hà Nội, giải pháp trên cần được quan tâm hơn như: cơ chế chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn di sản đa dạng hóa mô hình quản lý di sản... Riêng với bảo tồn phát huy giá trị di sản vật thể cần có đề xuất cụ thể hơn về quản lý với từng loại di sản, và chính sách hỗ trợ để cộng đồng có vai trò, trách nhiệm”, ông đề xuất.

Hà Nội phải là tâm điểm của sáng tạo và phát triển văn hóa ảnh 4
GS.TS Đỗ Thị Minh Đức khẳng định vị thế địa chính trị của Hà Nội được nâng cao hơn bao giờ hết. Ảnh: MINH AN.

Tiếp tục phân tích bài toán quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, GS.TS Nguyễn Viết Thịnh và GS.TS Đỗ Thị Minh Đức (Đại học Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh sông Hồng là tài nguyên vị thế. Vai trò của sông Hồng đối với Hà Nội đã thay đổi mạnh mẽ trong mấy thập kỷ qua.

“Quy hoạch đô thị ven sông Hồng sau nhiều phiên bản được đề xuất, mới đây tháng 3/2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Theo đó, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Đây là bước khởi đầu cho việc hiện thực hóa giấc mơ xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng”, GS.TS Đỗ Thị Minh Đức phát biểu.

Tin liên quan