Vợ chồng cử nhân và hành trình sản xuất đông trùng hạ thảo

Chị Nguyễn Thị Lý trong phòng nghiên cứu nấm đông trùng hạ thảo
Chị Nguyễn Thị Lý trong phòng nghiên cứu nấm đông trùng hạ thảo
TP - Trải qua nhiều thăng trầm với cây nấm đông trùng hạ thảo, hiện Nguyễn Thị Lý (30 tuổi, ở Long An) cùng chồng đã có những thành công bước đầu, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.

Thuê nhà trọ làm nơi thí nghiệm

 Nguyễn Thị Lý có niềm đam mê với các loại nấm từ khi còn là sinh viên Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TPHCM. Cầm tấm bằng cử nhân chuyên ngành công nghệ sinh học, Lý đầu quân cho Công ty CP Nấm Ta, một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu và trồng các loại nấm dược liệu. “Làm việc ở đây một thời gian tôi cũng học hỏi được nhiều thứ. Nhưng vì có niềm đam mê riêng với nấm đông trùng hạ thảo nên tôi quyết định rời bỏ công ty để theo đuổi nó”, Lý chia sẻ.

“Nấm đông trùng hạ thảo rất tốt cho sức khỏe người sử dụng, có tác dụng bồi bổ cơ thể, nhất là các trường hợp đau lưng mỏi gối, di tinh... Hiện công ty đã sản xuất cả trà đông trùng và sắp tới có nhiều sản phẩm khác nữa. Tụi mình đang tiếp tục nghiên cứu nuôi cấy các giống nấm linh chi, nấm bào ngư và nấm rơm”.
Chị Nguyễn Thị Lý, chủ sản phẩm “Đông trùng hạ thảo Saha”


Đầu năm 2015, Lý từ bỏ công việc ở Công ty CP Nấm Ta, quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Lý lấy phòng trọ làm phòng thí nghiệm và bắt đầu có những nghiên cứu đầu tiên về loài nấm này. “Nấm đông trùng hạ thảo thường được biết tới nhiều hơn trong tự nhiên, còn nuôi trồng trong phòng thí nghiệm vẫn là một thách thức với tôi lúc đó”, Lý nói. 

Lý mời anh Xuân Diệu (học cùng đại học, sau này là chồng) bắt tay cùng nghiên cứu, tạo ra phôi giống. Hai năm đầu, Lý và anh Diệu liên tục gặp thất bại trong việc nuôi cấy giống khiến cả hai gần như kiệt quệ cả vật chất lẫn tinh thần. Số tiền tích góp thời đi làm của cả hai đều đã đổ hết vào phòng thí nghiệm. 

“Số vốn liếng tích cóp ban đầu, chúng tôi dành cho việc mua giống, trang thiết bị, tiền ăn, tiền ở,…cả tiền thuê phòng trọ làm phòng thí nghiệm, dần đến ngày cạn kiệt. Áp lực hơn nữa là tiền thuê nhà trọ làm phòng thí nghiệm nợ mấy tháng không có để trả, thường xuyên bị chủ nhà đến đòi nợ và dọa đuổi đi. Lúc đó, tụi mình gần như buông xuôi tất cả, không còn tâm trạng nghiên cứu. Và rồi tụi mình cứ động viên nhau, lặng lẽ ăn mì gói để tiếp tục nghiên cứu với hy vọng thành công”, Lý nhớ lại.

Lý cùng anh Diệu tiếp tục nghiên cứu thêm 9 tháng nữa. Cuối cùng, đầu năm 2017, mẻ giống đầu tiên thành công. Lý đem sản phẩm đi kiểm nghiệm cho kết quả có dược chất quý là Cordycepin và Adenosine. “Tạo ra con giống mới chỉ là chặng đầu. Để có được sản phẩm, tụi mình phải tiếp tục chặng thứ hai là nghiên cứu quy trình sản xuất với số lượng lớn, thương mại được. Đến giữa năm 2017, tụi mình hoàn thiện được nghiên cứu này và bắt đầu sản xuất đại trà”, Lý cho biết.

Về quê mở sản xuất

 Nghiên cứu thành công, Lý và anh Diệu nên duyên vợ chồng và quyết định thành lập công ty. Đến nay vợ chồng Lý đã nghiên cứu thành công nhiều mẻ giống và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo mang tên “Đông trùng hạ thảo Saha”.

Từ những thành công bước đầu tại TP HCM, vợ chồng Lý nhận thấy muốn phát triển quy mô sản xuất cần phải về quê Long An đầu tư mở rộng trang trại. Đầu năm 2020, cả hai vợ chồng gom góp vốn liếng về quê ở huyện Bến Lức xây dựng trang trại hàng nghìn mét vuông nuôi trồng với quy trình khép kín.

Theo anh Xuân Diệu, hai vợ chồng đầu tư xây dựng trang trại ở quê không chỉ trồng nấm và các cây dược liệu, mà còn hướng đến nông nghiệp hữu cơ. Một phòng thí nghiệm được đầu tư xây dựng để phục vụ sản xuất, trong đó có chiết xuất sinh khối từ nấm. “Cả hai vốn xuất thân từ dân công nghệ sinh học nên chỉ mong đem kiến thức của mình về phục vụ phát triển quê hương”, anh Diệu nói.

Hiện hai vợ chồng Lý đã làm chủ được công nghệ tạo phôi nấm cũng như chiết xuất tinh chất từ nấm đông trùng hạ thảo. Một năm công ty sản xuất được hơn 5 tấn nấm đông trùng hạ thảo, xuất khẩu nấm đông trùng thô sang một số nước, trong đó Ấn Độ là thị trường chính. Cây nấm mang lại doanh thu cho công ty năm đầu khoảng 3,5 tỷ đồng và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động ở Bến Lức.

MỚI - NÓNG