VCB, VNM là 2 trụ cột đóng góp lớn cho chỉ số chính. VNM tăng 2,5%, là một trong những cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường. Giá trị giao dịch VNM hôm nay cao thứ 2 toàn thị trường, đạt 421 tỷ đồng, chỉ xếp sau GEX (563 tỷ đồng). VNM bền bỉ tăng giá trong thời gian qua, dù VN-Index đã qua giai đoạn hồi phục mạnh nhất, thị trường “khó đánh” hơn rất nhiều. Tính từ giữa tháng 8, qua khoảng 9 phiên giao dịch, VNM tăng 9% giá trị.
Đóng cửa, VNM lên mức 77.700 đồng, ngay sát đỉnh cao nhất từ hồi tháng 4/2022. VNM cũng là cổ phiếu khối ngoại mua ròng mạnh nhất (154 tỷ đồng), tức khoảng 30% thanh khoản của mã này.
Mặc dù tăng tốt nhất trong rổ bluechips VN30 nhưng VNM vẫn chưa phải là cổ phiếu kéo điểm số nhiều nhất. VCB với đặc thù vốn hoá lớn, dù tăng nhẹ hơn VNM (2,2%) nhưng lại có đóng góp tới hơn 2 điểm cho VN-Index.
Nhóm dẫn dắt thị trường hôm nay còn có sự xuất hiện của NVL, TCB, DGC, VGC, HVN, CTG, VPB, DCM. Cổ phiếu của các nhóm vốn hoá lớn như ngân hàng, bất động sản thay nhau dẫn dắt thị trường. Đáng chú ý hơn cả trong phiên hôm nay là sự bứt phá của cổ phiếu lương thực.
TAR và PAN đều được kéo lên mức giá trần. LTG tăng 6,6%, NAF tăng 4,2%, CAP tăng 2,7%....Hiện nay, tình trạng hạn hán kỷ lục ở Trung Quốc cũng như các nước phương Tây cảnh báo nguy cơ thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Đây cũng là vấn đề được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo thời gian qua. Theo IMF, tình trạng bất ổn gia tăng kể từ khi kết thúc giai đoạn bùng phát mạnh nhất của đại dịch và giá lương thực, năng lượng tăng cao chính là những yếu tố đưa tới dự báo khả năng bất ổn có thể xảy ra. Mặc dù tình trạng bất ổn có thể sẽ nhất thiết diễn ra nhưng mối liên hệ giữa giá cả và sự ổn định xã hội cho thấy rằng những rào cản đối với thương mại, mùa màng kém do nắng nóng khắc nghiệt và thiếu phân bón có nguy cơ gây thêm khó khăn, đói kém và bất ổn.
Những rủi ro này có thể được giải quyết phần nào thông qua nới lỏng các rào cản logistics do căng thẳng Nga-Ukraine, bao gồm cả việc phong tỏa Biển Đen.
Nhóm dầu khí tiếp tục tăng mạnh, khi giá dầu thế giới vừa có cú nhảy vọt tới 4% sau khi Ả Rập Xê Út đưa ra ý tưởng cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) để hỗ trợ giá trong trường hợp dầu thô Iran quay trở lại thị trường. PXT, PVC, PXS, BSR, PET, PVD, OIL, POW, PVS, GAS cùng tăng giá.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,35 điểm (0,5%) lên 1.277,16 điểm. HNX-Index tăng 2,16 điểm (0,72%) lên 301,3 điểm. UPCoM-Index tăng 0,52 điểm (0,56%) lên 93,3 điểm.
Giá trị khớp lệnh HoSE tăng nhẹ, đạt 12.801 tỷ đồng. Khối ngoại bán 160 tỷ đồng ở sàn HoSE, tập trung vào DGC, SSI, HPG, KBC, CTG, VCB… Ở chiều ngược lại, dòng tiền ngoại hướng đến VNM, PVD.