Vịt, cá chết trắng đồng bên nhà máy: Dân phản ánh là quyền của họ!

Những ngày qua, cá tại bàu Lệ Sơn tiếp tục chết, nổi trắng ruộng.
Những ngày qua, cá tại bàu Lệ Sơn tiếp tục chết, nổi trắng ruộng.
TP - Liên tiếp những ngày qua, cá tại bàu Lệ Sơn (xã Hòa Tiến, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) chết la liệt. Người dân nghi phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Cty TNHH T.Đ.T gần đó (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Vịt, cá chết, ruộng bỏ hoang

Cánh đồng rộng khoảng 40ha tại bàu Lệ Sơn của người dân 3 thôn Nam Sơn, Sơn Nam, Lệ Sơn Nam nằm phía dưới phân xưởng nay đã bỏ hoang gần một nửa. Lúa không phát triển, khiến người dân cũng không mấy mặn mà với diện tích còn lại. Theo phản ánh của người dân mấy năm lại đây, phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty TNHH T.Đ.T đóng tại thôn Thái Sơn (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) tiếp giáp với xã Hòa Tiến, nằm phía đầu nguồn, liên tục xả thải khiến cánh đồng ô nhiễm nặng. Cá, tôm chết trắng đồng. Vịt của người dân cũng không sống nổi. Trong khi đó, lúa trồng không phát triển, cho năng suất thấp. Vì không hiệu quả nên nhiều người dân bỏ hoang không làm nữa.

Ông Đặng Quang Đằng (thôn Nam Sơn), nổi tiếng chăn nuôi vịt trong vùng nhưng nay phải bỏ nghề vì đồng ruộng ô nhiễm. Ông Đằng cho biết: Tháng 6/2016, sau một trận mưa lớn, nước từ phân xưởng tràn ra ngoài, chảy về cánh đồng khiến đàn vịt đẻ hơn 500 con của gia đình ông chết sạch, gia đình ông trắng tay. Kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y TP Đà Nẵng cho biết đàn vịt của nhà ông Đằng không hề bị nhiễm cúm gia cầm.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, cho biết: Tình trạng ô nhiễm xảy ra mấy năm nay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân liên tục kiến nghị, bức xúc. Người dân đã nhiều lần phản ánh việc thỉnh thoảng phân xưởng này lén lút xả thải chưa xử lý. Nước thải từ hoạt động sản xuất của phân xưởng này có màu vàng đậm, được đưa vào một hồ chứa tạm. Khi có mưa lớn, bể chứa chất thải tạm bợ này lại tràn ra ngoài và theo con kênh tràn vào khu vực đồng ruộng tại bàu Lệ Sơn. Cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng cũng đã về làm việc, lấy mẫu kiểm tra và gửi văn bản cho Quảng Nam. Sở TN&MT thành phố có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng Điện Bàn hợp tác, có văn bản trả lời. Tuy nhiên, đến nay địa phương vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Điện Bàn.

Vịt, cá chết trắng đồng bên nhà máy: Dân phản ánh là quyền của họ! ảnh 1 Các bể lắng phía sau nhà máy vừa được xây dựng. Tuy nhiên, người dân tố cáo xưởng này vẫn xả thải, khi mưa lớn nước thải tràn ra ngoài.

Chỉ là nhiễm phèn?

Theo kết quả phân tích của Sở TN&MT TP Đà Nẵng, mẫu nước tại khu vực kênh dẫn tự nhiên bên cạnh phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty TNHH T.Đ.T có thông số sắt và kẽm lần lượt vượt 2,3 lần và 2,9 lần ngưỡng cho phép. Mẫu nước lấy tại khu vực đồng ruộng thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, thông số sắt cũng vượt 0,4 lần ngưỡng cho phép.

Ông Phan Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho biết: Thời gian trước, chính quyền phải khá căng thẳng với công ty này vì việc xả thải gây ô nhiễm. “Công ty không xây dựng hệ thống xử lý nước thải vì cho rằng nước thải ít. Tuy nhiên họ quên mất một điều nước thải sẽ thẩm thấu vào đất, gặp mưa lớn nước thải sẽ tràn ra ngoài. Sau khi có phản ánh của người dân xã Hòa Tiến, cơ quan chức năng thị xã Điện Bàn đã kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp đầu tư dây chuyền xử lý nước thải, trang bị hệ thống xử lý nội bộ trước khi đưa ra bể lắng”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, UBND thị xã Điện Bàn đã phối hợp với phía Đà Nẵng kiểm tra và yêu cầu đơn vị này thực hiện một số biện pháp bảo vệ môi trường. Hiện, doanh nghiệp đã triển khai một số giải pháp. Tuy nhiên, địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra và chỉ đạo Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn liên tục cập nhật theo dõi các biện pháp này có đảm bảo.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, phía sau phân xưởng, công ty vừa xây thêm 3 bể lắng, nước thải từ phân xưởng chảy ra bể này không chảy ra ngoài. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, phân xưởng này vẫn thường xuyên lén lút xả thải ra môi trường chủ yếu vào ban đêm. Dấu vết nước thải chảy trực tiếp ra môi trường qua mương nhỏ bên phân xưởng vẫn còn mới. Trong khi đó, các bể lắng của phân xưởng nước thải gần đây, không được che chắn, theo người dân chỉ cần một trận mưa nước thải sẽ chảy tràn ra ngoài, xuống đồng ruộng.

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Quản đốc phân xưởng cho rằng: Phân xưởng đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo không ô nhiễm. Khu vực ruộng đồng tại bàu Lệ Sơn cách nhà máy gần 3km, trong khi  khu vực này còn có các trại chăn nuôi, nhà máy gạch.

Theo ông Chương, nước thải của phân xưởng không có chì nhưng có kẽm và sắt do quá trình nhúng kẽm và thép trần chảy ra. “Thép sắt trong lòng đất gọi là nước phèn. Nước khu vực này trước nay đã nhiễm phèn rất nặng. Chúng tôi khai thác nước đều phải xử lý phèn trước”, ông Chương nói.

“Người dân phản ánh là quyền của họ. Lượng nước thải của xưởng rất ít, đã được xử lý, có bể lắng và đảm bảo môi trường. Nhưng không tránh khỏi những lúc mưa lũ nước thải chảy ra ngoài, nhưng vẫn đảm bảo môi trường ở đây”, ông Chương nói thêm.

Theo kết quả phân tích của Sở TN&MT TP Đà Nẵng, mẫu nước tại khu vực kênh dẫn tự nhiên bên cạnh phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty TNHH T.Đ.T có thông số sắt và kẽm lần lượt vượt 2,3 lần và 2,9 lần ngưỡng cho phép. Mẫu nước lấy tại khu vực đồng ruộng thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, thông số sắt cũng vượt 0,4 lần ngưỡng cho phép.

MỚI - NÓNG