Virus chưa biến đổi, dịch SXH vẫn bùng phát dữ dội

TP - Ngày 26/7, tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, mới ghi nhận thêm bệnh nhân thứ 18 tử vong vì SXH. Virus gây bệnh chưa biến đổi gene, không gia tăng độc lực.

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 58.888 trường hợp mắc (50.497 trường hợp nhập viện) và có 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%. Số trường hợp mắc chủ yếu tập trung ở miền Nam (64,4%) và miền Trung (19,9%). Khu vực miền Bắc có tỷ lệ mắc thấp hơn (12,4%) tuy nhiên gần đây có gia tăng số trường hợp mắc tại Hà Nội (số mắc tuyệt đối ở Hà Nội đứng thứ 3 cả nước, số mắc trên 100.000 dân đứng thứ 19).

Tại cuộc gặp mặt báo chí, nhấn mạnh vai trò của người dân trong việc phối hợp phòng, chống dịch SXH, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư chia sẻ: “Hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong việc diệt muỗi, bọ gậy/loăng quăng. Việc phun hóa chất chỉ có tác dụng nhất thời đối với đàn muỗi trưởng thành đang có nguy cơ gây dịch. Đặc biệt, muỗi vằn đốt người là con cái, chỉ đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng thường trú đậu ở các góc tối, trên quần áo, chăn màn và các đồ dùng trong nhà. Do đó việc tránh bị muỗi đốt và diệt bọ gậy/loăng quăng là cách hữu hiệu và cần đẩy mạnh để kiểm soát dịch bệnh”.

Tuy nhiên qua kiểm tra, giám sát, tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh; môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm, xử lý phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh.

Ngoài ra, sự phối hợp của người dân và ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh SXH tại một số địa phương chưa cao, việc triển khai phun hóa chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí...

Trước diễn biến căng thẳng, phức tạp của dịch SXH, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân phải tổng vệ sinh 2 tuần/lần để diệt loăng quăng, bọ gậy; Đậy kín các dụng cụ chứa các nguồn nước có thể làm môi trường cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi. Cụ thể như đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể nước lớn, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước, dọn các phế thải quanh nhà có thể là nơi đọng nước mưa kể cả chai lọ, vỏ hộp, hốc cây, vỏ dừa, lá cây khô, nắp bia… Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng chống muỗi đốt ban ngày. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Tự ý điều trị dễ biến chứng nặng

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, theo phân tích dịch tễ học SXH thì hiện nay, các ca mắc rơi chủ yếu vào lứa tuổi đang trong độ tuổi lao động. Số người cao tuổi mắc SXH dưới 5%, trẻ em cũng khoảng 5%. Theo ông Khuê, bệnh SXH nguy hiểm hơn trên cơ địa trẻ em do hệ miễn dịch kém, thai phụ, người già, người có bệnh lý đi kèm (suy gan, thận, tiểu đường). Những trường hợp tử vong gần đây đều rơi vào trẻ nhỏ và người lớn có cơ địa mang bệnh lý.

Liên quan đến điều trị bệnh SXH, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được tự ý điều trị khi bị sốt mà phải đến các cơ sở y tế bởi nếu người bệnh mắc SXH mà không được phát hiện, điều trị kịp thời hậu quả sẽ nghiêm trọng do biến chứng của bệnh SXH gây ra.

Muỗi vằn đốt người là con cái, chỉ đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng thường trú đậu ở các góc tối, trên quần áo, chăn màn và các đồ dùng trong nhà. Do đó, việc tránh bị muỗi đốt và diệt bọ gậy/loăng quăng là cách hữu hiệu và cần được đẩy mạnh để kiểm soát dịch bệnh.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.