Dễ tử vong nếu uống những thuốc này khi bị sốt xuất huyết

Điều trị cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết tại BV Nhiệt đới TƯ
Điều trị cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết tại BV Nhiệt đới TƯ
TPO - Theo thống kê của Bộ Y tế đến thời điểm này cả nước đã ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 17 ca đã tử vong. Các BS khuyến cáo, có những ca SXH nhập viện trong tình trạng nặng, suy thận và tổn thương gan do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm trong điều trị căn bệnh này.

Uống thuốc Aspirin và ibuprofen

 Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt... , đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Lý do bởi: Bệnh SXH Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu. Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu hoặc tiêu phân đen. Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.
Do vậy, tuyệt đối không uống hai loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết.

Muỗi truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù, nước đọng

Mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng không phải, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng...
Vì vậy, cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu sẽ là môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn. Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Vì vây, khi phun hóa chất diệt muỗi, cần phun ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, từ nhà này sang nhà khác.

Tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập

Theo các BS, do bệnh nhân SXH thường sốt cao 39 – 40 độ C, nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh này sốt do virus, nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao.
Do đó, người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Để giảm sốt, người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm.

Kiêng tắm, kiêng ăn

Về quan niệm kiêng tắm, kiêng ăn một số thực phẩm khi bị bệnh SXH, các BS cho rằng, đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người mắc SXH kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh.
Vì vậy, người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch. Không nên áp dụng các bài thuốc lá, thuốc nam truyền miệng không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.

Bị bệnh rồi sẽ không mắc lại

Bệnh SXH không có kháng thể miễn dịch đối với những người đã mắc bệnh. Mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần trong cả đời người vì hiện nay có 4 tuýp virus SXH. Tất cả các đối tượng đều có thể bị SXH. SXH không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Giảm sốt là hết bệnh

Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà.
Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, nhiều người bệnh hay cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.
Biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không.
Những trường hợp thoát mạch quá nhiều có thể sẽ dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: Mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn. Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy trẻ li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.
Biến chứng thứ 2: Xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể có; chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuât huyết dưới da… Những bệnh nhân này cần đến các cơ sở y tế làm các xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu như thế nào để thầy thuốc cân nhắc truyền tiểu cầu nếu cần.
Lưu ý: tất cả các bệnh viện địa phương đều có khả năng làm được điều trên, không nhất thiết phải đến tuyến Trung ương, mất thời gian, gây nguy hiểm cho bệnh nhân đồng thời quá tải cho bệnh viện. Chỉ trong những trường hợp bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở sẽ hồi sức ban đầu và cho chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến Trung ương bằng xe cứu thương.

MỚI - NÓNG