Ngày 6/12, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An khẳng định: Đây là hội nghị rất quan trọng, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công; việc triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo ông An, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp theo phương châm: Trung ương không chờ tỉnh, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ xã. Tập trung hoàn thiện Đề cương chi tiết Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030; Đề án công tác nhân sự để báo cáo Trung ương trong quý I/2025 và hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga |
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2024, tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,52% so với năm 2023, cao hơn bình quân chung cả nước; trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,77%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,53%; ngành dịch vụ tăng 7,67%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 30.468 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 96% so với dự toán. Thu hút đầu tư tiếp tục khởi sắc, với 600 triệu USD vốn đầu tư từ các dự án FDI, tăng 50% so với kế hoạch; 5.500 tỷ đồng vốn DDI, đạt kế hoạch đề ra; giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 96%. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển; công tác an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh quốc phòng được giữ vững.
Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu GRDP tăng từ 8,0 - 9,0%; tổng thu ngân Nhà nước đạt 27.026 tỷ đồng; thu hút thêm 600 triệu USD vốn FDI, 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ các dự án DDI.
Để đạt được các mục tiêu này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng 4 phương án tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, sẽ triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm khơi thông các nguồn lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, việc làm.
Tổ chức sắp xếp các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030...