Vĩnh Phúc: Mục tiêu 10.000 doanh nghiệp không còn xa

Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đang có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trên địa bàn.
Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đang có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trên địa bàn.
TP - Lần đầu tiên, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vừa tổ chức hội nghị đối thoại, trao đổi, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Ðây là chủ trương chung của Vĩnh Phúc để xây dựng chính quyền phục vụ, minh bạch, hướng tới sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 10.000 doanh nghiệp.

Lắng nghe doanh nghiệp, người dân

Theo UBND huyện Vĩnh Tường, đến hết năm 2016, Vĩnh Tường có 623 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, nhiều doanh nghiệp đang từng bước phát triển ổn định, tạo được vị thế trên thị trường như: Cty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Cty cổ phần Cơ khí Vĩnh Phúc, Cty Ðông Phong, Cty cổ phần Việt Pháp... Ðến nay, tổng số lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện có khoảng 13.500 người với mức lương trung bình khoảng 4,5 triệu đến 5,5 triệu đồng/người/tháng. 

“Lãnh đạo huyện tổ chức đối thoại lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để thực hiện chủ đề năm của Thủ tướng Chính phủ phát động là năm khởi sự doanh nghiệp, tạo những hiệu ứng thực chất để doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả và một năm xây dựng chính quyền minh bạch, hiệu quả, tập trung vào cải cách hành chính”, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường Trần Việt Cường nói tại hội nghị ngày 13/4. Ðây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức, ngoài việc lắng nghe các ý kiến trực tiếp của doanh nhân, doanh nghiệp, hội nghị cũng phát phiếu khảo sát tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp của các cơ quan, cá nhân trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. Bản khảo sát nêu tên 18 cơ quan của huyện Vĩnh Tường, từ lãnh đạo huyện đến văn phòng, tài chính kế hoạch, quản lý dự án đến quản lý thị trường, thanh tra, điện lực, trung tâm phát triển cụm công nghiệp, văn phòng đăng ký đất đai... với những tiêu chí khá thẳng thắn như quan tâm tới hoạt động của doanh nghiệp ở mức độ bình thường hay thiếu quan tâm; thái độ phục vụ thân thiện, bình thường hay còn gây khó khăn, tiêu cực.

Hội nghị nhận được khá nhiều ý kiến thẳng thắn về việc cải thiện môi trường đầu tư, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ. Ông Trần Việt Cường cho rằng, UBND huyện sẽ tập trung giải quyết, có nội dung thuộc thẩm quyền của huyện thì tổng hợp để chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, có nội dung liên quan đến cấp tỉnh thì huyện sẽ có văn bản kiến nghị với tỉnh giải quyết.

Vĩnh Phúc: Mục tiêu 10.000 doanh nghiệp không còn xa ảnh 1 Lãnh đạo huyện Vĩnh Tường đối thoại trực tiếp với các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Trường Phong.

Riêng về vấn đề giải phóng mặt bằng của huyện Vĩnh Tường, ông Cường cho biết, hiện nay diện tích đất canh tác của người dân rất thấp. Kinh tế nông nghiệp của Vĩnh Tường vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu chung. Do vậy, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là khó khăn. Tuy nhiên, nếu cứ để 0,5 sào/người và không chuyển đổi đất nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ, công nghiệp thì không thể có thu nhập cao được. Cũng theo ông Cường, việc tuyên truyền cho nhân dân cần có thời gian, đồng đất đã gắn bó với người dân, kể cả khi làm trong nhà máy xí nghiệp rồi nhưng vẫn mong muốn giữ lại đất ở nhà để phòng thân. “Ðó là suy nghĩ đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân, đòi hỏi một lúc thay đổi ngay thì rất khó. Do vậy cũng cần phải có thời gian mới chuyển biến được”, ông Cường nói.

Trên phạm vi toàn tỉnh, đồng hành cũng doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực chỉ đạo các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Mặc dù đã có nhiều những kết quả tích cực, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho rằng, trên thực tế, Vĩnh Phúc chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn và “chưa ươm được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp”. Ðể đạt mục tiêu đến năm 2020, Vĩnh Phúc có trên 10.000 doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện tốt các Nghị quyết số 35, 19 của Chính phủ và Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc liên quan đến đất đai, giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm các cam kết mà tỉnh đã ký với các doanh nghiệp. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, giải quyết, thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Vĩnh Phúc: Mục tiêu 10.000 doanh nghiệp không còn xa ảnh 2 Tư vấn cho nông dân đi xuất khẩu lao động nước ngoài ở xã Vĩnh Thịnh. Ảnh: Trường Phong.

Xuất khẩu nông dân

Muốn phát triển công nghiệp, dịch vụ thì phải thu hẹp diện tích đất nông nghiệp và rút bớt lao động khỏi nông nghiệp. Xác định được vấn đề trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, việc làm. Ðối với lao động nông thôn, tỉnh đã xây dựng Ðề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”. Theo đó, tỉnh đầu tư vào các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng lao động nông thôn; đổi mới tổ chức sản xuất, đưa ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi. Thực hiện chủ trương của tỉnh, các huyện, thị, thành đã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn như: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và một số nghề phục vụ giải quyết việc làm tại chỗ đối với lao động nông nghiệp có nhu cầu chuyển đổi nghề như: sửa chữa điện tử, điện lạnh, cơ khí, gò hàn, nấu ăn... Không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ, tỉnh còn có những giải pháp mang tính bền vững như: Thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng diện tích các khu, cụm công nghiệp nhằm đưa lực lượng lao động khu vực nông nghiệp sang làm việc tại các khu vực kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Hiện toàn tỉnh có hơn 3.100 doanh nghiệp, sử dụng trên 124 nghìn lao động, trong đó có 38 doanh nghiệp trong nước và 146 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng hơn 61 nghìn lao động.

Cùng với đó, tỉnh còn quan tâm, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Ðó được coi là giải pháp đưa số lao động nông nghiệp dôi dư sang làm việc tại các lĩnh vực khác. Theo đó, Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động xuất khẩu; nghiên cứu thị trường lao động trọng điểm, giúp người lao động tiếp cận văn hóa nghề, tác phong công nghiệp từ các quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, tiên tiến để người lao động thuận lợi sau khi xuất khẩu lao động trở về khởi nghiệp tại địa phương. “Chúng ta phải có những giải pháp mang tính đột phá hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì nói.

Ngay ở Vĩnh Tường, huyện cũng đang đẩy mạnh việc tạo điều kiện cho con em nông dân xuất khẩu lao động. Những lao động sau khi hết thời hạn lao động tại nước ngoài, với ngoại ngữ, kỹ năng, kỷ luật lao động học hỏi được tại nước ngoài sẽ được định hướng tới làm việc cho những doanh nghiệp FDI trong địa bàn tỉnh. Ðây là một cách đào tạo lao động rất tốt cho chính nhu cầu trong nước, bởi lượng doanh nghiệp Nhật Bản tại Vĩnh Phúc hàng năm cần khá nhiều lao động chất lượng cao. Từ đầu năm đến nay, hàng trăm đoàn viên, thanh niên đã nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động các nước. “Chúng tôi liên kết với các đơn vị doanh nghiệp, cho vay ưu đãi không cần thế chấp để đưa nông dân đi xuất khẩu lao động”, ông Trần Việt Cường, nói.

MỚI - NÓNG