Liên tiếp 4 đợt bùng phát của đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều đau thương mất mát cho người dân khắp các tỉnh thành trên cả nước. Giữa những nghiệt ngã của cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt, để ghi chép lại những câu chuyện người thật việc thật về sự đồng lòng chung sức chống dịch và tinh thần nhân ái, đoàn kết vượt qua đại dịch từ tháng 3/2021 báo Thanh Niên đã phát động cuộc thi viết nêu trên.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu tại lễ trao giải |
Ngày 26/11 cuộc thi viết đã được tổng kết và trao giải. 25 bài viết về những người thật việc thật trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 vừa qua đã được vinh danh, trao giải thưởng với số tiền gần 200 triệu đồng. Những bài viết giàu cảm xúc và tinh thần nhân văn đã lột tả sự khốc liệt của cuộc chiến chống dịch COVID-19 và những khoảng lặng đến nghẹn ngào.
Trong tác phẩm “Rồi thành phố sẽ bình thường” tác giả Phương Huyền – nữ Nhà báo đang công tác tại TPHCM đã ghi lại những khoảnh khắc chị lướt nhanh trên đường phố trong đêm để có thể tặng được nhiều quà “cứu đói” nhất cho những người lang thang, những người lượm ve chai, bán vé số đang lâm vào cảnh khốn khó khi đại dịch bùng phát. Những món quà chị trao tặng được vận động, hỗ trợ từ mạnh thường quân bằng tấm lòng tử tế và bao dung của người Sài Gòn.
Với tác phẩm “Thư gửi F0 kiên cường” tác giả Võ Minh Luân - một tình nguyện viên trực tiếp tham gia chăm sóc cho F0 điều trị tại khu cách ly đã phác họa chân dung người phụ nữ và những bệnh nhân khác với những cung bậc cảm xúc từ lo lắng đến đau đớn tột độ đến cảm xúc vỡ òa ngày khỏi bệnh. Sự tận tụy yêu thương của lực lượng y bác sĩ và tình nguyện viên đã từng bước đưa TPHCM vượt qua cơn bệnh với nghĩa tình nhân ái.
Những tác giả xuất sắc nhất với câu chuyện đời thật thắm tình người được vinh danh trong cuộc thi viết |
Trong khi đó nhà văn Trần Nhã Thụy với tác phẩm “Trụ lại Sài Gòn” một lần nữa đã khắc họa chân dung của những người xa xứ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi đại dịch bùng phát. Những người mẹ đơn thân chỉ mong cho con mình có sữa để uống cho qua cơn đói, tình người bao dung “mỗi tấm lòng là một nhịp cầu” trong các hoạt động thiện nguyện giữa những ngày khốn khó đã trở thành chỗ dựa cho những cuộc đời lấm láp và mộc mạc yêu thương.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ: “Hơn 1.000 bài viết đã được các tác giả trong và ngoài nước gửi đến báo đã truyền cảm hứng và nỗ lực vượt qua khó khăn. Cuộc thi viết đã lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, vun đắp truyền thống năng động, nghĩa tình của cả cộng đồng, cùng nhau vượt qua những trạng thái tiêu cực do đại dịch gây ra. Không chỉ góp sức người, sức của, các bài viết còn lan tỏa thông điệp 5K, gợi mở giải pháp liên quan đến công tác phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo an sinh xã hội tạo được sự đồng thuận của cộng đồng”.