Vĩnh biệt một Người Mẹ

Vĩnh biệt một Người Mẹ
TP - Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ. Ở đó quá nhiều nỗi đau và mất mát, mà biểu tượng cho đau thương tột cùng ấy hơn hết vẫn là những người Mẹ.

>> Mẹ Thứ qua đời: Sừng sững một tượng đài

Rạng sáng ngày hôm kia (10-12), tại xóm Rừng vắng vẻ vùng cát Điện Bàn – Quảng Nam của Việt Nam, một biểu tượng huyền thoại về sức chịu đựng đau thương chiến tranh, huyền thoại mang tầm nhân loại đã lặng lẽ ra đi sau 106 năm trời ở cõi.

Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, mà cả nước vẫn quen gọi bằng hai chữ thân thương: “Mẹ Thứ”.

Đời Mẹ dài hơn một thế kỷ, thì hơn 60 năm trường đằng đẵng chịu đựng nỗi đau mất con. Ngay những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, 3 người con trai của Mẹ đã hy sinh cùng trong năm 1948.

Đến năm 1954, khi cuộc kháng chiến thắng lợi chỉ còn tính bằng ngày, người con trai thứ 4 anh dũng hy sinh. Năm người con trai kế tiếp lần lượt lớn lên cầm súng đánh Mỹ và rồi cùng lần lượt nằm lại ở khắp các chiến trường.

Một sự trùng hợp như là định mệnh: Giờ phút cuối cùng của cuộc chiến tranh, đất nước hoà bình thống nhất, trưa ngày 30-4-1975, cũng chính là lúc Lê Tự Kiệt, người chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn quả cảm con trai Mẹ ngã xuống.

Tổng cộng 9 người con trai, cùng 1 con rể duy nhất và một cháu ngoại lần lượt ngã xuống trải dài suốt hai cuộc chiến, từ những ngày đầu tiên cho tới giây phút cuối cùng!

Với trái tim của một người Mẹ, có nỗi đau nào khủng khiếp hơn thế? Trên trái đất đã trải qua trăm, ngàn cuộc chiến này, thử hỏi có sự bỡ cợt, hận thù nào hơn thế của chiến tranh gieo rắc xuống số phận những người con trong cùng một gia đình, của cùng một người Mẹ?

Sau bao ngàn ngày đêm một mình vào ra nuốt thầm nước mắt nhớ thương, giờ người Mẹ ấy đã có thể nhẹ nhàng về miền mây trắng tìm lại đàn con thân yêu.

Tỉnh Quảng Nam đang xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Thứ với tổng diện tích tới 150 ngàn mét vuông. Đây sẽ là công viên tâm linh cấp quốc gia, với bia đá ghi danh toàn bộ gần 50.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước.

Nhưng tượng đài lớn lao, cao cả hơn hết, dù Mẹ Thứ và rất nhiều người Mẹ Anh hùng khác đã vĩnh viễn đi xa, đó là lòng kính trọng thương yêu và mãi mãi biết ơn sự hy sinh vĩ đại của các Mẹ. Tượng đài ấy còn sống mãi trong mỗi lòng người.

Nỗi đau phi thường của Mẹ Thứ cũng cho loài người một bài học sống còn. Đó là hãy tỉnh táo, cảnh giác với những âm mưu gây chiến để không bao giờ lặp lại nỗi đau thương ấy trên đất nước này, hành tinh này.

Huyền thoại nỗi đau Mẹ Thứ, về mặt nào đó cũng như hình ảnh quả cảm của người chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc Julius Fucik dưới giá treo cổ của phát xít Đức. Đều để lại những tuyên ngôn bất hủ: “Hỡi loài người, hãy cảnh giác!”

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG