Vingroup bán hàng miễn phí 1 năm cho doanh nghiệp Việt

Vingroup bán hàng miễn phí 1 năm cho doanh nghiệp Việt
Trong vòng một năm các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0% khi phân phối tại hệ thống siêu thị Vinmart của Vingroup.

Doanh nghiệp Việt liên thủ để tồn tại

Với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa, ngày 1/6, Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ ký kết hợp tác với gần 250 doanh nghiệp thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang, bông vải sợi đến từ 18 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Theo thỏa thuận, Tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên gồm Vincommerce, Vincom Retail, VinEco, VinDS sẽ triển khai các gói giải pháp ưu đãi về phân phối, tăng cường hiện diện thương hiệu, tư vấn công nghệ, quản trị và kiểm soát chất lượng, marketing, tiêu thụ hàng hóa, tham gia góp vốn nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Tại lễ ký, hơn 140 doanh nghiệp đã ký hợp tác về phân phối, theo đó trong vòng một năm, từ 1/6/2016 đến 1/6/2017 các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Vingroup với các điều kiện ưu đãi hợp lý. Riêng các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm (đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây…) sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%.

Vingroup bán hàng miễn phí 1 năm cho doanh nghiệp Việt ảnh 1 Các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm tươi sống sẽ được hệ thống các cửa hàng của Vingroup bán hàng hộ, không thu phí trong một năm
Lý giải về việc bán hộ sản phẩm, không thu tiền chiết khấu, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, đây là hình thức bán hộ không lãi đồng thời cam kết trả cho đối tác doanh thu theo đúng mức giá công bố thông thường. Toàn bộ phần chiết khấu sẽ được Vinmart và Vinmart+ hoàn trả 100% về nhà cung cấp, với mục đích tạo thêm nguồn kinh phí để doanh nghiệp tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm và có thêm điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, Vingroup cũng khuyến khích các nhà cung cấp điều chỉnh giảm giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng. Đổi lại, các doanh nghiệp được hỗ trợ phân phối trên hệ thống của tập đoàn sẽ phải cam kết sản xuất và cung cấp ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

“Mục tiêu của Chương trình là thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần tạo nguồn thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng có chất lượng cho thị trường đồng thời xây dựng các thương hiệu quốc gia, tiến tới là các thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Chương trình chú trọng ưu tiên cho nhóm hàng thực phẩm an toàn. Đây chính là mục tiêu của Vingroup nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”, ông Hiệp cho biết.

Phải liên kết để tồn tại

Đất nước chỉ mạnh, kinh tế chỉ phát triển bền vững khi có một cộng đồng doanh nghiệp nội địa mạnh mà nòng cốt là những doanh nghiệp dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng, năng suất lao động và sức cạnh tranh cao là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi phân tích về những lỗ hổng trong liên kết sản xuất của các doanh nghiệp Việt.

Theo bà Lan, nhìn tổng thể, hoạt động của các doanh nghiệp Việt đang cho thấy mối lo ngày càng gia tăng mặc dù . Những năm gần đây, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng. Đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) có thị phần ngày càng tăng. 

Trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp FDI đang chiếm khoảng 50% sản lượng công nghiệp của nền kinh tế trong khi lĩnh vực chế tạo chiếm tới gần 70%. Trong lĩnh vực xuất khẩu, hàng Việt Nam có nhiều nhưng không lắm được bao nhiêu thị phần khi có tới 70% thương hiệu có lượng xuất khẩu lớn lại thuộc về các doanh nghiệp ngoại. Điều đáng buồn nhất là hoạt động của các DN Việt dường như đang bị chững lại.

Vingroup bán hàng miễn phí 1 năm cho doanh nghiệp Việt ảnh 2

Các doanh nghiệp tại lễ ký hợp tác với Vingroup 

“Nghiên cứu gần đây cho thấy, tới 70% DN Việt chỉ hoạt động trong nước, 30% có tham gia xuất khẩu thì vẫn tìm mọi cách giữ thị phần trong nước để đảm bảo chỗ lùi an toàn trong bối cảnh thế giới biến động. Nhưng khi về với thị trường trong nước, DN đối mặt với việc 97% DN nhỏ và vừa không làm được tất cả các khâu. Họ có thể sản xuất tốt nhưng rất cần sự tiếp tay của các DN phân phối để đưa hàng ra thị trường. Nếu không tạo được sự liên kết, các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc Vingroup bắt tay với 250 doanh nghiệp để tiêu thụ các sản phẩm sạch, chất lượng cao là sự kết nối đôi bên cùng có lợi để cùng phát triển bền vũng trong việc phát triển, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm tốt”, bà Lan chia sẻ.

Giám đốc điều hành Tổng Công ty May Nhà Bè, bà Lê Thị Hà Chi cho rằng, việc tập hợp được các doanh nghiệp trong nước cùng đồng hành, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nội địa có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là với ngành dệt may, ngành mang lại kim ngạch tới 27 tỷ USD/năm và đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi hội nhập do phụ thuộc quá nhiều vào việc gia công xuất khẩu. 

“Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn hội nhập mới với sự hình thành AEC, ký kết TPP và một số hiệp định tự do song phương vì vậy đã đến lúc cần phải xây dựng lại hệ thống tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh hệ thống tiêu chuẩn đo lường của Nhà nước thì cần có sự đánh giá, cảm nhận của chính người tiêu dùng về hàng Việt. Việc các DN cùng bắt tay nhau để tạo mạng lưới cung cấp những mặt hàng chất lượng cao là hành động rất có ý nghĩa" - bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ.

MỚI - NÓNG