Trong một cuộc nói chuyện vào hôm 26/2 với Bloomberg, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air cho biết, cụ thể các đợt bán vốn ra công chúng (IPO) sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. Đại diện hãng hàng không tư nhân này cũng chưa đưa ra số vốn huy động mong muốn, tuy nhiên, Vietjet Air dự kiến sẽ bán khoảng 30% vốn - mức sở hữu tối đa cho các nhà đầu tư ngoại hiện nay.
"Chúng tôi đã lên kế hoạch hoàn chỉnh để đưa Vietjet Air trở thành hãng hàng không toàn cầu". Chúng tôi nhìn vào Emirates, một hãng hàng không cũng đến từ một quốc gia có dân số khiêm tốn, hiện đã trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới. Chúng tôi muốn Vietjet Air trở thành Emirates của châu Á", bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết trên Bloomberg.
Emirates có trụ sở tại Dubai, là hãng hàng không đường dài lớn nhất thế giới với các chuyến bay tới hơn 150 quốc gia. Tháng trước, Emirate đã mua bổ sung 37 máy bay mới với giá trị lên tới 14,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Vietjet Air đã vận chuyển 9,3 triệu khách trong năm 2015, tăng 66% so với năm 2014. Theo báo cáo tài chính của Vietjet, doanh thu của hãng tăng 205% so với năm ngoái lên 10.900 tỷ đồng (khoảng 488 triệu USD). Thu nhập ròng cũng tăng gần 1.000 tỷ đồng trong năm.
Hiện trong năm 2016, hãng này dự kiến doanh thu tăng gấp đôi và đạt con số 15 triệu hành khách vận chuyển. Vietjet Air từng gây sự chú ý trong và ngoài nước với hình ảnh dàn nữ tiếp viên mặc bikini.
Theo phân tích của Trung tâm Hàng không Châu Á- Thái Bình Dương (CAPA), Vietjet Air có thể sẽ "vượt mặt" hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) để trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Cũng theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, Việt Nam được kỳ vọng là một trong 10 thị trường hàng không tăng trưởng nhất thế giới trong 20 năm tới.
"Việt Nam là một thị trường lý tưởng cho các hãng hàng không giá rẻ," ông Brendan Sobie, nhà phân tích chính của CAPA Singapore nhận định, "Điều này làm cho việc đầu tư vào Vietjet Air trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Họ không gặp những thách thức về cạnh tranh và lượng khách bão hòa như các hãng hàng không giá rẻ khác".
Trong năm qua, các hãng hàng không giá rẻ đang tìm cách mở rộng thị phần trong thị trường "màu mỡ" tăng trưởng đến 20% mỗi năm. Không nằm ngoài xu thế đó, đầu tháng 2, Vietjet và Công ty Pratt & Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp. (Mỹ) đã ký kết hợp đồng tổng trị giá 3,04 tỷ USD đặt mua động cơ PurePower Geared Turbofan để trang bị cho 63 máy bay A320neo và A321neo mới đặt hàng của Vietjet.
CEO Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, mỗi năm, hãng này tham vọng bổ sung thêm vào đội tàu bay hàng chục chiếc và đưa tổng số máy bay lên 42 vào cuối năm nay. Đến năm 2020, tổng số máy bay của VietJet có thể là 100. Hãng cũng có kế hoạch mở rộng đường bay quốc tế đến nhiều thành phố ở Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc và Nhật Bản trong năm 2016.
Việc chuyển đổi từ một hãng bay giá rẻ trong nước sang bay đường dài quốc tế sẽ khiến Vietjet phải đầu tư nhiều máy bay lớn hơn, ông Brendan Sobie cho biết: "Gia nhập vào thị trường như vậy sẽ gặp rủi ro hơn và khó khăn hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Vietjet lại có mọi lợi thế của người đi đầu".
Thương vụ IPO của Vietjet được đề cập khi chỉ số chứng khoán hàng không châu Á Thái Bình Dương của Bloomberg sụt giảm 14% từ đầu năm nay, trái với mức tăng 19% trong cả năm 2015. Năm ngoái, Vn-Index của Việt Nam là chỉ số tăng trưởng tốt nhất khu vực Đông Nam Á, đã giảm 2,2% kể từ đầu năm 2016.
Tuy vậy, nhiều quỹ đầu tư từ Thụy Điển, Hong Kong vẫn sẵn sàng mua cổ phiếu của Việt Nam do lợi thế giá rẻ và đây cũng là nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất trong gần một thập kỷ. Hãng Asia Capital Frontier và Coeli Asset Management cho biết họ sẽ gia tăng lượng vốn nắm giữ trong năm nay khi mức vốn đầu tư trực tiếp ngoài lên cao kỷ lục và các hiệp định thương mại tự do Việt Nam vừa ký kết có thể kích thích nền kinh tế.
"Chúng tôi sẵn sàng đi thêm một bước, mở ra cánh cửa mới, tự tin nắm bắt các cơ hội mà hội nhập mang lại", CEO Nguyễn Thị Phương Thảo nói về kế hoạch IPO sắp tới.