Chuyện ba người cùng làng, Kỳ I:

Viết về Hàm Rồng cả đời cũng không hết

Cầu Hàm Rồng những năm chiến tranh ác liệt
Cầu Hàm Rồng những năm chiến tranh ác liệt
TP - Người hùng một thời, anh pháo thủ số 4 Lê Văn Tĩnh, chiến sĩ Đại đội 4 (C4-Đồi Quyết Thắng) thuộc Trung đoàn Pháo cao xạ 228 bảo vệ Hàm Rồng đang ngồi bên tôi đây sao? Suốt 10 năm dằng dặc gian khó hiểm nguy chuyên làm cái việc canh trời Hàm Rồng.

Năm 2016 tôi bám theo xe của Hội văn nghệ xứ Thanh vô Quảng Trị theo lời mời dự hội thảo do anh em Tạp chí Cửa Việt tổ chức. Ngồi bên tôi là một người viết vừa quen vừa lạ. Quen là từng đọc, từng gặp. Lại có thày, bạn chung ở Khoa Văn Đại học Tổng hợp. Lạ là khi chắp nối một quá vãng hào hùng với thực tại… Người hùng một thời, anh pháo thủ số 4 Lê Văn Tĩnh, chiến sĩ Đại đội 4 (C4-Đồi Quyết Thắng) thuộc Trung đoàn Pháo cao xạ 228 bảo vệ Hàm Rồng đang ngồi bên tôi đây sao? Suốt 10 năm dằng dặc gian khó hiểm nguy chuyên làm cái việc canh trời Hàm Rồng.

Canh giữ bảo vệ cây cầu, ngay từ trận bị đánh phá đầu tiên (3,4 - 4/1965) đã phải hứng chịu cuộc tấn công của hàng trăm lượt máy bay đối phương, hứng chịu hàng trăm quả tên lửa, hàng ngàn tấn bom... vậy mà vẫn có thể trụ vững được? Hơn thế, quân dân Hàm Rồng còn đánh trả quyết liệt, trong hai ngày xảy ra trận đánh đầu tiên đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ. Rồi sau đó là ngót ba nghìn ngày đêm chiến đấu gần như liên tục, đối đầu với tất cả các loại máy bay tối tân nhất, tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất của không quân và hải quân Mỹ, kể cả pháo đài bay B-52, tên lửa tìm diệt mục tiêu, bom thông minh điều khiển bằng tia laser... Đó là chưa kể cây cầu cách biển Đông không xa, tàu chiến từ Hạm đội 7 của Mỹ có thể bắn đại bác tăng tốc, phóng tên lửa đến tận cầu.

Viết về Hàm Rồng cả đời cũng không hết ảnh 1 Từ Nguyên Tĩnh ở Thành Cổ Quảng Trị

Lạ nữa, trong bộ phim của điện ảnh Liên Xô (cũ) R. Karmel quay Hàm Rồng trong những thời khắc khói lửa ấy có một dòng chữ viết bằng phấn trắng trên một ván ở vách công sự một trận địa pháo “Thà gục bên mâm pháo, quyết không để cầu gục” Dòng chữ ấy vào phim nhưng không được dịch ra bằng phụ đề và lời thuyết minh tiếng Nga. Phim được chiếu rộng rãi. Khán giả coi phim biên thư hỏi Bộ Văn hóa Liên Xô về dòng chữ ấy.

Bộ đành hỏi Đại sứ quán Việt Nam. Một cuộc điều tra truy tầm khẩn cấp. Sau mới biết tác giả. Đó là pháo thủ số 4 Lê Văn Tĩnh. Trong lúc bom đạn mù mịt, thoáng thấy người khẩu đội trưởng của mình bị thương nặng nhưng vẫn một tay giữ chặt núm ruột đang trào ra từ vết thương ở bụng, một tay khác phất cờ lệnh chỉ huy bắn máy bay địch đang bổ nhào, thì pháo thủ số 4 Lê Văn Tĩnh đã nhanh tay nhặt viên phấn hằng ngày vẫn dùng học xạ kích và viết nhanh lên thành công sự của khẩu đội dòng chữ đó...

…Bên lề những cuộc hội thảo chuyên môn chúng tôi được dẫn đi thăm trận địa Thành Cổ, địa đạo Vịnh Mốc, Cửa Việt… Thoáng để ý, người lính từng bạc mặt suốt 10 năm trời trên trận địa pháo chiến trường ác liệt Hàm Rồng, Từ Nguyên Tĩnh vẫn có những khoảng lặng hồi ức suy ngẫm, vẫn có những hỏi han tỷ mỷ và ghi chép gì đó vào mảnh giấy con con nhét trong túi áo. Cái anh chăm bẵm con chữ cần mẫn với người viết tài tử hình như có khác và có khoảng cách?

Một Từ Nguyên Tĩnh công chức, quan chức từng vượt thoát những sự vụ ngặt nghèo nhưng lặt vặt nhàm chán hành chánh hơn mười năm trời của chức Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ kiêm Tổng biên tập tạp chí văn nghệ địa phương. Vượt thoát là cách nói của động thái tranh thủ chớp thời gian để chăm chút cho việc viết. Đã có một cây viết Từ Nguyên Tĩnh hiệu suất cao. Tôi chợt nhớ đổi cái tên Tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa  thành Văn Nghệ xứ Thanh tác giả cũng là ông. Chẳng hay bút danh Từ Nguyên Tĩnh ló dạng từ khi nào cho đến giờ vẫn chưa kịp hỏi người có tên khai sinh là Lê Văn Tĩnh cho ra nhẽ? Họ Lê của nhà văn có dây mơ rễ má chi với hoàng tộc nhà Lê? Xã Xuân Quang quê anh ở Thọ Xuân nửa thế kỷ trước từng phát lộ mộ vua Lê Dụ Tông. 

Mấy ngày cánh viết xứ Thanh mà thủ lĩnh là Từ Nguyễn Tĩnh được vây bọc giữa tình cảm mến mộ trân trọng của anh chị em viết Quảng Trị đủ biết tác phẩm của Từ Nguyên Tĩnh lẫn uy tín của Tạp chí Xứ Thanh thọ lâu được thử thách thời gian, chinh phục được bạn đọc gần xa như thế nào!

Áp Tết năm Hợi, tôi nhận một bọc quà nặng trịch từ xứ Thanh gửi. Hóa ra là Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh. Lần giở nhanh qua 5 tập. Tập I, Truyện ngắn; Tập II, Truyện ngắn; Tập III, hai Tiểu thuyết: Mảnh vụn chiến tranh và Cõi người; Tập IV, hai tiểu thuyết: Truyền thuyết sông Thu Bồn và Sống được là may; Tập V, Truyện vừa và Trường ca: Không thành người lớn; Đời côi cút; thơ và Trường ca chọn lọc. Tập dày nhất 650 trang. Tập mỏng nhất 500 trang. Như vậy, tổng tập Từ Nguyên Tĩnh suýt soát 3.000 trang.

Sau này biết thêm, nếu không bị giới hạn đúng một trăm trong tuyển tập, ông đưa cả hơn một trăm mười truyện ngắn, nếu ông đưa mấy chục bài ký viết suốt mấy chục năm và hai tập Ký sự Hàm Rồng (in chung với Lê Xuân Giang) vào tuyển tập; nếu ông đưa tất cả hàng trăm bài thơ trong Bản thảo một, Bản thảo hai, Bản thảo ba, Bản thảo bốn vào tuyển tập; nếu ông đưa tất cả bốn năm chục bài các nhà phê bình lý luận văn học, bạn bè văn chương viết về tác phẩm Từ Nguyên Tĩnh có lẽ bộ tuyển Từ Nguyên Tĩnh không phải chỉ 5 tập mà dễ phải sáu, bảy tập, số trang phải bốn, năm nghìn trang.

May mắn tôi được gặp lại trong tuyển tập những thứ bắt mắt ở thể dạng truyện ngắn đã quen từ lâu. Những thứ đã bầu nên một cây viết chững chạc bề thế Từ Nguyên Tĩnh Gã nhà quê; Hạnh phúc trần gian; Người tình của cha; Người đàn bà quàng khăn màu hổ phách; Một... hai... ba... bốn; Thợ cối xay; Đứa bỏ làng; Trai đò dọc... Có thứ đã dựng thành phim Hạnh phúc trần gian;Người tình của cha Còn nhớ Người tình của cha được Hội đồng giáo dục, Sở Giáo dục Thanh Hóa chọn đưa vào giảng dạy phần văn học địa phương ở bậc Trung học cơ sở. 

Dung lượng một bài báo không cho phép tôi kê biên tiếp số lượng tác phẩm của một cây bút hiệu suất cao Từ Nguyên Tĩnh, cũng như chất lượng những Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam của Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam của Thanh Hóa từng tôn vinh ông. Cứ đậm mãi trong tâm trí lời bộc bạch rằng, hay dở được mất đọng lại trong bạn đọc hay lại trôi tuột vì yểu mệnh thế nào không biết nhưng được viết về Hàm Rồng về đồng đội và những năm tháng hào hùng ấy là lãi cái đã! Mà viết về Hàm Rồng thì cả đời cũng chả hết!

(Còn nữa)

Từ Nguyên Tĩnh viết nhiều nhất là Hàm Rồng. Và những cái được nhất vẫn là về Hàm Rồng. Ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ… Thử sức, trang trải với nhiều thể loại. Đâu đó có vẻ như lảng như xa nhưng coi kỹ gẫm lâu vẫn là một tâm điểm Hàm Rồng lan tỏa dẫu chiều kích không gian, nhân vật tưởng như ở một xứ khác. 

MỚI - NÓNG