Sau 1975, anh được điều ra Ban khoa giáo Trung ương, làm vụ phó phụ trách công tác giáo dục và các trường đại học phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).
Sẩm tối ngày cùng tháng tận năm 2016, trong tâm thế bâng khuâng tính sổ đời… bỗng một giọng lạ hỏi tên mình, rồi thông báo anh Long bị tai nạn giao thông gãy xương đòn, gãy chân, gãy mấy cái sương sườn, tràn dịch phổi. Hốt hoảng, tôi gọi cho bạn ở TP Hồ Chí Minh nhờ can thiệp…
Một đêm cuối tháng 3, anh Long đột ngột gọi tôi - Phải bay vào ngay để gặp một người, theo anh chỉ gặp một phút rồi bay ra cũng được.
Sáng sau, nói với các em họ của mình tôi đành thất lễ không dự tang lễ cấp cao ông chú (nguyên mẫu nhân vật Ông già Sơn La trong bộ tiểu thuyết Vỡ vụn và Cuộc vuông tròn) an táng ở Nghĩa trang Quốc gia Mai Dịch, để hộc tốc bay vào TPHCM.
Gặp Kiều Xuân Long, anh tuy chân còn đau vẫn đưa tôi đi.
Anh Long nhắc: Ông Nguyễn Hữu Hạnh 90 rồi nên không hỏi chuyện cũ nhá. Tuổi ấy chắc không còn nhớ được gì nhiều. Thêm nữa, rất có thể, tâm lý không muốn nhớ lại chuyện cũ. Đã gặp ông Triệu Quốc Mạnh rồi nên tôi hiểu. Nói với nhau thế nên trên đường về ấp Me, Tam Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang, chúng tôi hồi hộp, chỉ lo sức khỏe cụ không tiếp được mình.
Là trưởng ban liên lạc cựu Trí vận, Long đã đưa anh em về thăm mà vẫn lạc. Đường sá nhà cửa xây dựng nhanh quá, nhiều quá. Cũng biết ngôi biệt thự ở đường Phan Kế Bính sau khi người bạn đời của 14 người con mất đã bán đi, mua mảnh đất ở ấp Tám, Tân Phú Trung, Củ Chi, TPHCM để ở, rồi lại khóa cửa để đấy, ông Hạnh về đây quanh quẩn vui thú điền viên với bạn bè. Mươi năm trước, Mặt trận Tổ quốc thành phố cho mượn 30 triệu làm 30m2 nhà cấp 4 này, trừ dần vào lương tháng, ông đã trả hết. Mới rồi ông lại mới vay được 10 triệu xây thêm căn bếp.
Nói là vui thú điền viên, nhưng chả thấy ruộng vườn đâu. Xung quanh chỉ thấy mồ mả. Một cái mộ xây, lù lù nằm trọn dưới mái tôn gia đình vẩy ra, ở chính giữa cửa ra vào, cách cửa gần hai thước. Ngày xưa từ Bắc di dân vào đây mở mang bờ cõi, người chết chôn ngay trong vườn ruộng nhà. Giờ người đẻ chứ đất không đẻ nên người sống lẫn với người chết là chuyện thường. Yếu bóng vía thì không dám ở. Cụ Hạnh thì… vô tư?
Cô hàng xóm đi xe máy dẫn đường đã đánh tiếng nên một phụ nữ đỡ cụ Hạnh chống gậy từ trong buồng lẫm chẫm bước ra. Long với tôi bước vội lại đỡ hai bên dìu cụ đến chiếc ghế riêng, ngồi cũng được ngả lưng nằm cũng được. Long giới thiệu để tôi tặng hoa và quà Hà Nội, trong đó có bánh cốm Nguyên Ninh, Hàng Than của nhạc sĩ Duy Quang, bạn đồng môn mà bao giờ cũng mang vào mời các bạn. Đưa sách ra tặng. Ngạc nhiên khi cụ rành mạch, đọc ra miệng: Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc. Cụ Hạnh còn đọc cả dòng chữ nhỏ xíu Kỷ yếu truyền thống Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1954-1975. Long lật những tấm ảnh chân dung các nhân vật ra, mắt cụ sáng lên, miệng cười mắt cười: Bà Ngô Bá Thành trẻ quá. Chúng tôi chọn ảnh lúc chị ấy còn trẻ, chứ chị Thành mất rồi ạ!
Là một trong mấy người biên soạn tập kỷ yếu hơn 350 trang khổ 20x27cm này, lại là Bí thư Đảng ủy kiêm Chánh văn phòng Ban Trí vận từ năm 1971 nên Hai Long nắm chắc các nhân vật có ảnh trong sách.
Ngày đi B, Long mang theo gần mười cân sách đại học (đã xé bỏ hết bìa, xén cả ba mép, chỉ để chữ, cho nhẹ cân) tức là phải bớt đi tư trang, chỉ còn lương thực, thực phẩm, thuốc…
Vì đúng ra các anh có nhiệm vụ xây dựng và dạy trường ĐH Sư phạm Giải phóng ở R (khu căn cứ Tây Ninh). Nhưng sau thất bại Mậu Thân, người Mỹ đổ quân, biến chiến tranh đặc biệt thành cục bộ nên phương án ấy không thành.
Các anh làm bất cứ việc gì Mặt trận dân tộc giải phóng cần. Kiều Xuân Long làm cả tuyên truyền, đối ngoại, tuyên huấn, trong Ban chỉ huy Đội du kích súng cối 82li với 12 khẩu của Ban Tuyên huấn…
Tháng 4/1975 Bí thư Đảng ủy Long phổ biến 10 điều quy định của Chính phủ Cách mạng lâm thời cho mọi người trước khi cùng đơn vị từ Củ Chi vượt sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, nhằm hướng Sài Gòn thẳng tiến…
Xăng hết, bà con đổ đầy, không lấy tiền, chỉ xin hai lá cờ mặt trận để nói hộ lòng mình với quân giải phóng. Nói bà con là nói đồng bào con Lạc cháu Hồng, cả các các nhà tư sản, gia đình sĩ quan Cộng hòa.
Cụ Hạnh chỉ vào hai người trong bức ảnh nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ở tấm ảnh trong sách hỏi: - Cô Sáu Nở phải không? Hai Long đây chứ gì?
Thế nên không phải ngẫu nhiên cả Ban Binh vận Trung ương Cục, Ban Trí vận, Ban Hoa vận Sài Gòn - Gia Định (SG-GĐ) được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Không có sự tham gia và sự chở che đùm bọc của mọi tầng lớp nhân dân thì làm sao các Ban ấy hoạt động được, để có ngày 30 tháng 4, như ông Tám Cần và Ban Trí vận không hề sứt mẻ gì?
Tôi hỏi người phụ nữ đứng bên có phải chị là con gái cụ? Chị cười cởi mở: - Không, tôi là vợ kế ổng. Chị bảo giờ cụ xem ảnh, sau rồi mới đọc chữ. Ngủ dậy là đọc thôi à! Chị bộc bạch thêm: Chồng tui chết, 5 đứa con, ngày đi bán vé số gặp ổng, ổng cho tôi mấy chục cân gạo.
Ổng hiền lành, chân thật, thương người nên tôi về với ổng. Các con ổng không chịu, gọi tôi là chị. Ông cự con: - Má các con chết, người ta thương, trông nom săn sóc ba thì các con mừng chứ. Sao gọi vợ của ba là chị chớ? Giờ sắp nhỏ chịu rồi. Ngày giỗ ông bà, vợ ổng, tôi với ổng mới về, con cháu đều tụ tập ở trển...
Hai tập sách Long tặng với những tên người, hình ảnh gợi lại một thời oanh liệt nhất đời làm cụ Hạnh cười hóp má, mắt sáng lên - Hồi ấy tôi 52 tuổi, không hiểu chuyện đời thế nào, chỉ nói, cứ vô đây, tôi giao Sài Gòn - Chợ Lớn cho mấy anh - Cụ Hạnh nhớ lại.
Khoảng 15h ngày 29/4 Ban Trí vận cử ba người: Luật sư Trần Ngọc Liễng, linh mục Chân Tín và GS Châu Tâm Luân vào trại Đa- vít trong sân bay Tân Sơn Nhất (lúc này không còn là 4 bên, bởi Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và Mỹ đã rút nên chỉ còn 2 đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam).
Theo cách cụ Hạnh vừa nói ở trên để thông tin, nhưng phía ta chưa có cơ sở để tin. Đến khi ông Lý Quý Chung mang văn bản “bàn giao” phát trên Đài Sài Gòn lúc 9h ngày 30 tháng 4 mới tin.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện, cụ cứ nhắc câu đã nói: Cứ vô đây, tôi giao Sài Gòn - Chợ Lớn cho các anh. Cũng là bệnh người già - chỉ thêm câu nữa: Chỗ nào tôi ở thì hiền lành lắm!
Hóa ra cụ không phải 90 mà đã 94 tuổi. Tóc bạc lưa thưa, nhưng đuôi tóc sau gáy vẫn muối tiêu, chỉ có da mồi má hóp, răng rụng nhiều. Bà Trần Thị Hiệp, vợ kế mà tôi tưởng là con cụ bưng ra một cốc sữa nóng. Tôi với Long đỡ cụ ngồi thẳng dậy để uống. Bà Hiệp bảo, ngày ổng uống hai hay bốn lần, ba bữa cơm, thích canh chua, cá kho, thịt kho, nhưng ăn ít, ngủ nhiều. Bà sinh năm 1958, làm bạn với ông đã 8 năm.
Tôi mời chị đứng lên để gương mặt phúc hậu còn rất trẻ gần với tấm ảnh ông năm 1975, bên bảng tuyên dương của Ban Binh vận Trung ương cục Miền Nam tặng chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - Cơ sở nội tuyến chiến lược rồi bảo cháu Mai Khanh con gái Kiều Xuân Long học Mỹ, bác sĩ ở Hungari về (cứ đòi theo ba để nghe chuyện, được gặp ông) chụp một tấm ảnh để khỏa lấp sự cách biệt tuổi tác.
Chợt Long lặng người bảo, phải tìm nhân thân bác Tám Vô Tư. Bác ấy là bác họ, bạn học với thân sinh cụ Hạnh. Năm cụ thân sinh ông Hạnh mất, biết ông Hạnh là đứa con hiếu đễ bác Tám Vô Tư bắn tin có muốn về chịu tang tía không?
Ông Hạnh ở vùng quân Sài Gòn chiếm, còn cha ở vùng giải phóng. Để được về chịu tang (dù chỉ mặc thường phục không mang vũ khí và bay trên trời) nhưng tận mắt thấy đông đảo bà con nông dân đưa tía mình chắc xúc động lắm.
Từ đó ông Hạnh mới ngả dần sang ta để cuối cùng vào ngày 29/4/1975 mới trực tiếp vào cuộc, trong vai phụ tá Tổng tham mưu trưởng và nhờ học vấn quân sự được học hành, tích lũy, với lòng yêu nước, tinh thần dân tộc được giác ngộ trong nhiều năm, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của vị tướng đích thực, vô hiệu hóa được toàn bộ lực lượng còn lại của quân lực VNCH quanh và trong Sài Gòn để trưa 30/4 các mũi đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn không tốn một viên đạn.
“Hồi ấy tôi 52 tuổi, không hiểu chuyện đời thế nào, chỉ nói, cứ vô đây, tôi giao Sài Gòn - Chợ Lớn cho mấy anh”.
Cụ Hạnh nhớ lại