Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vẫn ở giai đoạn nghiên cứu khả thi. Chủ đầu tư của dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nộp hồ sơ nghiên cứu khả thi cho Hội đồng thẩm định Nhà nước của Việt Nam, nhưng vẫn cần nhiều thời gian để các cơ quan Việt Nam xem xét, tổ chức đấu thầu, thuê tư vấn bên ngoài… Dự kiến, cuối năm nay, nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Ông Andrey Stankevich, đại diện Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom), cho biết như vậy ngày 19/5 bên lề sự kiện “Ngày khoa học và hạt nhân tại Hà Nội” do Rosatom, Cục Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và các đối tác khác tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong rằng, trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Rosatom có đề nghị lãnh đạo Nga bàn chuyện thúc đẩy quá trình chuẩn bị dự án, ông Andrey nói rằng, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là dự án lớn, nên chắc chắn được lãnh đạo hai nước bàn tới trong chuyến thăm. Tuy nhiên, ông Andrey cho biết, Tổng giám đốc Rosatom đã khẳng định quan điểm rất rõ ràng rằng, tiến độ xây dựng thuộc quyền quyết định của chủ đầu tư, Rosatom không can thiệp. Nhưng Rosatom cần được thông báo khi có thay đổi để kịp thu xếp vốn, người, công suất, thiết bị phù hợp. Về thời điểm khởi công, ông Andrey nói rằng, khó có thể khẳng định chắc chắn dự án sẽ bắt đầu được triển khai từ năm 2020.
Về khả năng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khi đi vào sử dụng sẽ giúp giảm giá bán điện, ông Andrey cho rằng, điều đó phụ thuộc vào quy hoạch giá cả. Tuy nhiên, giá thành của điện hạt nhân ít phụ thuộc vào giá nhiên liệu. Các loại nhiên liệu như than, khí đốt có thể biến động mạnh, khiến giá thành điện sản xuất từ những nhiên liệu đó cũng có thể lên xuống nhanh. Nhưng đối với điện hạt nhân, giá nhiên liệu chỉ chiếm 2-3%. Giá uranium đang rất thấp, nếu có tăng cũng chỉ chiếm 4-5% giá thành. Vì thế, có thể khẳng định giá thành của điện hạt nhân rất ổn định.