Dự án SeAFFGS hướng tới phục vụ công tác dự báo, cảnh báo cho 4 quốc gia thành viên Đông Nam Á gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, do Chính phủ Canada tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại với tổng kinh phí 1,3 triệu USD.
Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra trên quy mô nhỏ hẹp, xuất hiện trong thời gian ngắn khi có mưa lớn kích hoạt và ảnh hưởng của nhiều yếu tố như địa hình, địa chất, hoạt động kinh tế xã hội. Vì vậy, đây là loại hình thiên tai vô cùng khó khăn trong dự báo trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hiện nay, lũ quét, sạt lở đất chưa thể dự báo được vị trí cụ thể mà chỉ có thể cảnh báo nguy cơ theo các mức độ khác nhau tại các khu vực.
Hệ thống SEAFFGS được đưa vào vận hành sẽ hỗ trợ các dự báo viên phân tích, cảnh báo các ngưỡng mưa, sinh lũ quét trong 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ, vùng nguy cơ rủi ro lũ quét trong 12, 24, 36 giờ, ngưỡng sạt lở đất trong phạm vi 24 giờ và được cập nhật thường xuyên theo các khoảng thời gian tương ứng.
Sạt lở đất xảy ra giữa tháng 6 tại Lào Cai Ảnh: Báo Lào Cai |
Ngoài ra, SEAFFGS cho phép điều chỉnh các sản phẩm dựa trên kinh nghiệm của người dự báo với điều kiện địa phương, kết hợp nhiều thông tin khác như kết quả dự báo mưa từ mô hình số trị, thông tin báo cáo của địa phương, dữ liệu từ các trạm đo mưa phi truyền thống hoặc báo cáo từ quan trắc viên địa phương.
“Đặc biệt, SEAFFGS tích hợp được mô đun cảnh báo sạt lở đất, đây là chức năng cực kỳ quan trọng để cảnh báo một trong những thảm họa thường xảy ra tại miền núi, trung du các nước Đông Nam Á nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa”, ông Thái chia sẻ.
Cùng với việc đưa vào hệ thống cảnh báo lũ quét, theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai mưa lớn, lũ trong khu vực nhỏ thông qua việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, đẩy mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia.