Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới

 Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp, khoáng sản tăng mạnh (Trong ảnh, công nhân Samsung sản xuất lắp ráp đồ điện tử xuất khẩu) Ảnh: Như Ý
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp, khoáng sản tăng mạnh (Trong ảnh, công nhân Samsung sản xuất lắp ráp đồ điện tử xuất khẩu) Ảnh: Như Ý
TP - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 của Việt Nam tăng 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm Quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Có được thành công đáng kể này, phải kể đến điểm sáng trong xuất khẩu và sự đóng góp từ sản xuất công nghiệp, doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Năm 2021, điều gì sẽ chờ đợi nền kinh tế?

Chỉ đạo, điều hành đúng đắn

Tại buổi họp báo quý IV, ngày 27/12, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tính chung năm 2020, GDP tăng 2,91%. Theo bà Hương, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cho thấy, tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Cụ thể, năm 2020 GDP tăng 2,91%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,4%; số DN thành lập mới là 134.940 DN; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,6%; vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 5,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng 6,5%; tổng kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa tăng 3,6%; xuất siêu 19,1 tỷ USD; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 78,7%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,23%; lạm phát cơ bản tăng 2,31%.

Ðiểm sáng xuất khẩu

Trong bức tranh chung của nền kinh tế, năm 2020 ghi nhận nỗ lực của hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) bất chấp tác động của dịch COVID-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch XNK hàng hóa năm nay đã lập “kỷ lục” mới với 543,9 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế năm 2020, đồng thời tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trong năm 2021.

Về cơ cấu nhóm hàng XK năm 2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước.

Năm 2021, lo giá xăng dầu tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 chỉ tăng 3,23%. Trong đó, CPI tháng 12/2020 chỉ tăng 0,19% so với cùng kỳ năm 2019.

“CPI tháng 1/2020 tăng hơn 6% đã tạo ra áp lực lớn trong việc kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Đặc biệt là giá thịt lợn những tháng đầu năm tăng liên tục, giá thịt lợn bình quân năm 2020 tăng trên 50%. Riêng thịt lợn đã đóng góp 1,94 điểm phần trăm trong tốc độ tăng 3,23% chung của cả năm”, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá chia sẻ.

Mặc dù vẫn cho rằng, năm 2021 việc kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đặt ra có thể thực hiện được, song bà Ngọc tỏ ra lo lắng trước thực tế giá dầu bắt đầu có xu hướng tăng trở lại sẽ tạo áp lực lớn trong kiểm soát lạm phát.

“Giá xăng dầu đang tăng trở lại và nhiều khả năng sẽ tăng mạnh cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thế giới phục hồi, nhu cầu sử dụng tiêu thụ xăng dầu trên thế giới tăng, giá xăng dầu sẽ tăng và ở trong nước tăng khoảng 10-15% góp phần tăng CPI”, bà Ngọc nói.

“Ngoài ra, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động du lịch, dịch vụ, ăn uống, nhà hàng, lưu trú... sẽ sôi động trở lại cũng sẽ gây áp lực rất lớn nên kiểm soát lạm phát năm 2021 phải thực hiện ngay từ đầu năm”, bà Ngọc nói thêm.

Năm 2021 có nhiều khó khăn thách thức phía trước. Các chuyên gia của Tổng cục Thống kê và các chuyên gia kinh tế đồng quan điểm nhấn mạnh cần phải nhận thức đúng và đủ khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước để kịp thời có giải pháp khắc phục và chủ động tận dụng cơ hội để đạt mục tiêu đặt ra cho năm 2021.Theo đó, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh.

MỚI - NÓNG