Việt Nam theo dõi sát diễn biến ở Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
Các tàu Trung Quốc neo đậu bất thường ở Trường Sa. Ảnh: Reuters
Các tàu Trung Quốc neo đậu bất thường ở Trường Sa. Ảnh: Reuters
TP - Trước thông tin Trung Quốc đã tăng số lượng tàu neo đậu ở khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam lên khoảng 300, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 13/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

“Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UCNLOS 1982”, bà Hằng tuyên bố.

Thông tin về việc Trung Quốc tăng số lượng tàu hiện diện ở Trường Sa lên gần 300 được Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đưa ra ngày 12/5. Hồi tháng 3/2021, Philippines cũng đưa ra thông tin Bắc Kinh điều hơn 200 tàu ra neo đậu trái phép ở đá Ba Đầu (cụm Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Trung tâm Nghiên cứu quốc tế chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) gần đây nói rằng, hệ thống nhận dạng tự động tàu thuyền cho thấy, các tàu Trung Quốc đã hiện diện ở khu vực này suốt 2 năm qua. Hình ảnh vệ tinh của hãng Planet Labs cho thấy đội tàu Trung Quốc neo đậu ở đá Ba Đầu ít nhất từ tháng 2/2020, và rất ít dấu hiệu cho thấy những tàu này đang đánh bắt ở đó.

Giới chức Trung Quốc trước đây phủ nhận rằng đội tàu này là tàu dân quân biển ngụy trang thành tàu cá. Nhưng các chuyên gia quốc tế cho rằng lực lượng tàu cá và hải cảnh đóng vai trò trung tâm trong tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, duy trì hiện diện liên tục để cản trở các hoạt động đánh bắt và khai thác tài nguyên xa bờ của các quốc gia ven biển khác.

Philippines bất nhất

Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Philippines Cirilito Sobejana đầu tuần này nói, Philippines sắp xây dựng một trung tâm hậu cần trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để các tàu vào nạp nhiên liệu, tiếp tế cũng như để các thủy thủ nghỉ ngơi, làm tăng hiệu quả hoạt động của lực lượng trên biển của nước này.

Ông Sobejana còn cho biết, nước này đã điều lực lượng lính thuỷ đánh bộ và thuỷ thủ ra 9 trạm ở Biển Đông, lắp đặt các camera giám sát để theo dõi một số khu vực.

Ông Sobejana lần đầu tiết lộ kế hoạch xây trung tâm hậu cần trên đảo Thị Tứ hôm 22/4. Ông nói Philippines trước đây không xây dựng gì vì có thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về việc các bên dừng xây dựng ở khu vực tranh chấp. “Nhưng Trung Quốc vi phạm điều đó”, ông Sobejana nói với các phóng viên.

Philippines gần đây gia tăng hiện diện trên Biển Đông bằng các hoạt động tuần tra, thể hiện sự thách thức mà những người chỉ trích cho rằng đã vắng bóng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, khi nhà lãnh đạo này thực hiện chính sách đối ngoại xoay trục sang Trung Quốc.

Tuần trước, ông Duterte gây xôn xao khi nói rằng, phán quyết mà Toà trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 chỉ là “một mảnh giấy” mà ông có thể ném vào sọt rác. Phán quyết khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với hầu khắp Biển Đông không có cơ sở pháp lý.

Nhà phân tích an ninh quốc phòng người Philippines Jose Antonio Custodio nói, phát biểu trên của ông Duterte đã “phá tan” giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc mà các quan chức ngoại giao và quốc phòng Philippines thể hiện trong thời gian qua.

“Chúng tôi không có sự thống nhất khi phát đi thông điệp. Điều đó càng kích thích Trung Quốc hành động”, ông Custodio nói với Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể sắp thăm Việt Nam

Trả lời câu hỏi về khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Việt Nam nhân chuyến sang châu Á dự Đối thoại Shangri-La, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ đang duy trì đà tiến triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác về an ninh và quốc phòng.

Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng 2011, Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng 2015, Kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương qua các kênh khác nhau, tăng cường trao đổi đoàn, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới, bà Hằng nói.

Ngày 30/4, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã dự lễ nhậm chức tư lệnh các lực lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Đô đốc John Aquilino tại Honolulu, Hawaii, theo lời mời của INDOPACOM. Đại diện INDOPACOM hy vọng Đối thoại Shangri-La sẽ được tổ chức với sự tham gia trực tiếp của các nước đối tác. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin bày tỏ mong muốn thăm Việt Nam trong thời gian tới.

Đối thoại Shangri-La năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 4-5/6 tại Singapore.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.