Việt Nam tăng 3 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh

Việt Nam tăng 3 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh
TPO - Báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh - Doing Business 2016- được World Bank và Công ty Tài chính quốc tế  (IFC) công bố ngày 28/10 cho thấy, theo cách tính mới, với 5 hạng mục thực hiện nhiều cải cách nhất, Việt Nam đã tăng 3 bậc lên vị trí thứ 90 của bảng xếp hạng gồm 189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đánh giá của WB, Việt Nam là một trong số 12 nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong năm qua. Cụ thể, với những cải cách về thủ tục hành chính, chỉ số về khởi sự kinh doanh của Việt Nam trong năm qua đã tăng được 6 bậc, từ thứ hạng 125 lên thứ hạng 119. 

Những cải cách mạnh về chỉ số về tiếp cận điện năng được đánh giá giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều cải thiện với mức tăng tới 22 bậc, từ thứ hạng 130 lên 108. Các hạng mục chỉ số có sự cải cách nhiều khác có: Chỉ số về tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc lên vị trí thứ 28; Chỉ số về nộp thuế tăng 4 bậc lên mức 168.

Bên cạnh những đầu mục cải cách được ghi nhận, bản đánh giá của WB cũng cho thấy nhiều chỉ số năm nay không được cải thiện, thậm chí giảm so với xếp hạng công bố năm ngoái. Cụ thể, chỉ số thương mại qua biên giới và Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư cùng giảm 1 bậc, xuống vị trí 99 trong bảng xếp hạng và vị trí thứ 122. 

Đáng chú ý, nhiều chỉ số khác được đánh giá khá quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư nước ngoài lại không thay đổi như chỉ số giấy phép xây dựng (giữ nguyên ở vị trí thứ 12), bảo vệ quyền tài sản (xếp hạng thứ 58) và thực hiện hợp đồng (xếp hạng 74).

Về xếp hạng của WB liên quan chỉ số về nộp thuế, chiều 28/10, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, theo ghi nhận của báo cáo, chỉ số nộp thuế ở Việt Nam mới giảm 102 giờ, từ 872 giờ xuống còn 770 giờ. 

Trong đó, số giờ nộp thuế mới chỉ giảm 40 giờ. Tuy nhiên, trong thực tế, theo tính toán ngành thuế đã giảm tổng cộng 420 giờ nộp thuế thông qua thực hiện các cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế.

Cụ thể, riêng việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã giúp cắt giảm chi phí thời gian tuân thủ thuế của doanh nghiệp được 290 giờ.

Việc bỏ quy định doanh nghiệp phải lập và gửi cho cơ quan thuế chi tiết bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo Tờ khai thuế GTGT; bỏ quy định khống chế các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, lễ tân, khánh tiết, giao dịch đối ngoại... khi tính chi phí hợp lý hợp lệ của doanh nghiệp; sửa đổi một số quy định về quản lý sử dụng hóa đơn chứng từ... Chỉ riêng những quy định này, thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế của doanh nghiệp giảm được 120 giờ nữa.

Cùng đó, việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử, giúp cho doanh nghiệp không phải gửi tờ khai bằng giấy, không phải đến cơ quan thuế để nộp tờ khai, nộp thuế (giảm được thêm 10 giờ/năm) cũng như nhiều quy định khác đã giúp số giờ nộp thuế giảm tổng cộng 420 giờ/năm.

“Trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 mà Ngân hàng thế giới vừa công bố, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp chỉ giảm được 102 giờ, trong đó thuế giảm được 40 giờ, BHXH giảm được 62 giờ, là do Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 tính toán thời gian mà doanh nghiệp thực hiện thủ tục về thuế trong năm 2014”, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết.    

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, qua nghiên cứu chi tiết bảng tính toán số liệu về thời gian của báo cáo có thể thấy gần như tất cả kết quả cải cách về thuế của Việt Nam trong năm 2014 đều đã được ghi nhận, nhưng việc giảm thời gian kê khai nộp thuế được tính theo tỷ lệ từ tháng 10/2014, tháng 11/2014, theo thời hạn hiệu lực của các văn bản ban hành. 

Do đó, thời gian Nộp thuế trong năm 2014 chỉ được doanh nghiệp thực hiện trong 2 tháng, giảm được 40 giờ. Các kết quả còn lại sẽ được tiếp tục ghi nhận trong các Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 và 2018. 

MỚI - NÓNG