Tham dự và điều hành chương trình có bà Naoki Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và hơn 1.500 đại biểu từ 183 quốc gia thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp…
Cả cộng đồng chung tay vì môi trường
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận trái đất đang phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. “Nếu chúng ta không có những giải pháp tổng thể, các quốc gia, dân tộc và mọi người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cho rằng, thách thức to lớn này cũng chính là cơ hội để nhân loại phải nhìn nhận, đánh giá lại con đường và mô hình phát triển, từ đó tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động để môi trường sống tự nhiên mãi trường tồn, hơn hết là hiện thực hóa ước vọng về một hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống.
“Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, huy động nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng thông tin thêm, trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. “Tại Hội nghị G7 mở rộng ở Canada mới đây, tôi đã phát biểu đánh giá cao vai trò quan trọng, sự hợp tác hiệu quả của Quỹ Môi trường toàn cầu và sẽ cùng Quỹ Môi trường toàn cầu thực hiện dự án vùng, vì một đại dương không có rác thải nhựa”, Thủ tướng nói.
Chia sẻ về quan điểm “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, bà Naoko Ishii cho hay rất ấn tượng với quan điểm này. Bà bày tỏ sự tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu này và sẽ thành công trong tương lai. Bà Naoko đã đến Đà Nẵng từ hơn 20 năm trước và khi đó bà nhận thấy người dân ở đây mong có được nguồn nước an toàn, phát triển kinh tế mạnh mẽ... “Đến thời điểm này, Đà Nẵng hay cả Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Tuy nhiên thành công này phải chịu hậu quả nhất định trong các vấn đề về môi trường như suy thoái rừng, nguồn nước ô nhiễm, rác thải đại dương… Đó cũng là những vấn đề mà Việt Nam hiện cần phải khắc phục”, Giám đốc điều hành GEF lưu ý.
Đồng hành vì sự phát triển bền vững
“Việt Nam là địa điểm thuận lợi để GEF thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và bày tỏ mong tiếp tục nhận được sự tư vấn, hợp tác, hỗ trợ nguồn lực từ GEF.
Đóng góp vào thảo luận của Kỳ họp lần này, Thủ tướng nêu ba nội dung quan trọng. Thứ nhất, cần nhận diện cụ thể những thách thức chính về môi trường và đề ra chính sách ưu tiên giải quyết. Thứ hai, phải đánh giá được hiệu quả của cơ chế hỗ trợ và hợp tác hiện nay, từ đó có những cải tiến mang tính đột phá, đặc biệt trong khâu huy động và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia thành viên, nhất là quốc gia đang đối mặt với suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... Và cuối cùng, cần đề xuất những dự án tổng hợp mang tính toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm giải quyết các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu… Đồng thời cần có các dự án trọng điểm để giải quyết vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng.
“Liệu hành tinh của chúng ta có đủ sức chống chịu trước những rủi ro thiên tai? Tương lai của nhân loại có bền vững hay không? các châu lục có còn tràn đầy sức sống hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào chính mỗi người chúng ta, tùy thuộc vào hành động của chúng ta ngay từ hôm nay vì một hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống. Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng quý vị vì sự phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ GEF6, tại sự kiện “Rác thải biển”, Bộ TN&MT đã đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”. Sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức toàn cầu và địa phương; chuyển hóa mô hình tăng trưởng từ nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu sang tái chế, huy động sự tham gia của các cấp, các nhà sản xuất; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và kiến thức về quản lý rác thải đại dương giữa các quốc gia trong khu vực…