Việt Nam, New Zealand hướng tới Đối tác chiến lược

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng New Zealand John Key. Ảnh TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng New Zealand John Key. Ảnh TTXVN
TP - Trong cuộc hội đàm ngày 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng New Zealand John Key nhất trí đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - New Zealand phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu, hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó chú trọng đẩy mạnh quan hệ chính trị… 

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, hai Thủ tướng nhất trí cho rằng, việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Hiệp định Thương mại ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA) đã có hiệu lực và New Zealand chính thức trở thành Đối tác chiến lược của ASEAN trong vài ngày tới sẽ mở ra những cơ hội hợp tác chiến lược mới đầy triển vọng giữa hai nước. 

Hai bên khuyến khích doanh nghiệp hai nước tận dụng các cơ hội thuận lợi do TPP và AANZFTA mang lại, lập mới cơ chế Đối tác thương mại cấp chính phủ, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1,7 tỷ USD vào năm 2020, đẩy mạnh đầu tư trên các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, chăn nuôi, dịch vụ, giáo dục…

New Zealand cam kết xem xét tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu các mặt hàng nông thuỷ sản tại thị trường New Zealand cũng như đẩy nhanh các thủ tục liên quan quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu. 

Thủ tướng New Zealand khẳng định tiếp tục duy trì viện trợ phát triển cho Việt Nam, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp, tri thức và kỹ năng, quản lý rủi ro thiên tai. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh New Zealand tiếp tục cung cấp học bổng cho du học sinh Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Hai bên trao đổi về các biện pháp đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh, y tế, hàng không, thương mại nông nghiệp, du lịch, văn hoá. Về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại về diễn biến gần đây tại biển Đông. 

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bên liên quan thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, kiềm chế và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng tình hình khu vực, trong đó có việc cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng; nhất trí cần cấp thiết xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. 

Sau hội đàm, hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký 3 văn kiện hợp tác trong lĩnh vực hàng không dân dụng, giáo dục và y tế.

MỚI - NÓNG