Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội thảo “Quan hệ Việt - Mỹ: 20 năm thành công hơn nữa”, do Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao phối hợp Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ và Đại học Portland (Mỹ) đồng tổ chức hôm qua tại Hà Nội.
Bài học của quá khứ
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói rằng, để ghi nhận tầm quan trọng những gì Việt Nam và Mỹ đạt được trong 20 năm qua, cần nhìn lại và học bài học của quá khứ. Trong bức thư gửi cho Tổng thống Mỹ Harry Truman năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Mỹ hỗ trợ phong trào độc lập của Việt Nam và bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, lịch sử không đi theo hướng đó. Quan hệ hai nước đã phải trải qua một chặng đường khó khăn và lâu dài mới được như ngày hôm nay. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, hai nước đã thành công trong việc chuyển từ kẻ thù sang bạn bè, sau đó thành đối tác toàn diện.
“Lịch sử dạy chúng ta rằng, tận dụng cơ hội, xây dựng lòng tin và thúc đẩy mối quan hệ dựa trên lợi ích song phương là những nguyên tắc quan trọng nhất để gạt bỏ khó khăn và khác biệt giữa hai đất nước để phát triển quan hệ”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói rằng, ngày nay, khi Việt Nam và Mỹ tạo thành những bộ phận không thể tách rời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hai nước cần hợp tác để duy trì sự ổn định lâu bền của hệ thống quốc tế, hợp tác quốc tế, khi các mối đe dọa đối với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc đang khiến thế giới lo ngại, bên cạnh những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, an ninh nước, lương thực và năng lượng.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, việc hình thành khuôn khổ hợp tác dựa trên đối tác toàn diện là thành tựu quan trọng nhất kể từ năm 1995. Ngoài ra, cam kết của Việt Nam và Mỹ trong hoàn thiện đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho thấy “khao khát mãnh liệt của cả hai nước cho mối quan hệ sâu sắc và ổn định hơn”.
Đại sứ Mỹ Ted Osius nói ông “tin rằng 20 năm đầu tiên chỉ là phần mở đầu cho một câu chuyện dài hơn và phong phú hơn rất nhiều” của quan hệ hai nước.
“Năm nay có thể ký TPP”
Trả lời Tiền Phong bên lề Hội thảo, Đại sứ Osius nêu rõ, ký kết TPP trong năm 2015 là mục tiêu cả hai bên hướng tới để kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. “Cả Mỹ và Việt Nam đều coi TPP là một thỏa thuận có tính chiến lược, một thỏa thuận tốt về mặt kinh tế. Hiện cả Washington và Hà Nội đều có ý chí chính trị để đạt được hiệp định này. Tôi lạc quan rằng, chúng ta có thể kết thúc được hiệp định này trong năm nay. Và đây sẽ là một trong nhiều thành tựu quan trọng để kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước”, ông Osius nói.
Đại sứ Mỹ cũng cho biết, trong Thông điệp Liên bang đọc hôm 20/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói khá nhiều về TPP, cũng như hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và châu Âu. Tất cả những điều này đều có tính chất trọng tâm chính sách cũng như cam kết của Mỹ với châu Á. “Đó cũng là trọng tâm của chúng tôi đối với tầm nhìn của chúng tôi về hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á”, ông Osius nói.
Về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, Đại sứ Osius cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục giúp Việt Nam phát triển lực lượng cảnh sát biển vì đây là điều rất quan trọng đối với 2 nước. Mục đích của hợp tác cảnh sát biển là thực hiện các hoạt động chung cũng như làm sao để đảm bảo cho tình hình châu Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng, làm sao để các nước trong khu vực tuân thủ hợp tác quốc tế và không nước nào có hành động đe dọa nước khác. Điều này sẽ giúp các nước được hưởng lợi từ các tuyến hàng hải tự do, giúp hàng hóa được vận chuyển tự do giữa các quốc gia.
Cựu Đại sứ Mỹ Pete Peterson cho rằng, trong vài năm tới, quan hệ thương mại hai nước sẽ tiếp tục mở rộng, trong khi hợp tác quân sự sẽ trở nên “tốt hơn và phức tạp hơn”. Bên cạnh đó, các lĩnh vực y tế, kỹ thuật, giáo dục… tiếp tục phát triển, đặc biệt khi Đại học Fulbright được thành lập ở Việt Nam, ông nói.
Trả lời câu hỏi của báo giới rằng, khi nào Việt Nam và Mỹ có thể thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Đại sứ Osius nói: “Điều quan trọng là nội hàm của quan hệ chứ không phải cái tên của quan hệ. Như ngài Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng đã nói về 9 trụ cột trong quan hệ của 2 nước, tôi thấy các lãnh đạo của Việt Nam và Mỹ đều rất hy vọng về quan hệ đối tác của 2 nước và họ muốn nhấn mạnh đến tính thực chất, đến những công việc mà 2 nước có thể làm cùng với nhau. Điều đó có tính quan trọng hơn nhiều so với cái tên của quan hệ”. Đại sứ Mỹ cho biết, trong nhiệm kỳ của mình, ông “có tham vọng lớn là Mỹ không phải là đối tác thương mại, đầu tư đứng thứ 2 hay thứ 3 ở Việt Nam mà phải đứng thứ nhất”.