Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về hoạt động này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định quan điểm: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Là một quốc gia ven biển Đông và là thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, lập trường nhất quán của Việt Nam là tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
“Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục đề nghị các quốc gia có đóng góp mang tính xây dựng và tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”, bà Hằng nói.
Sáng nay, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên nói rằng tàu USS Dewey của Hải quân Mỹ vừa có chuyến tuần tra tự do hàng hải vào trong vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên Mỹ có chuyến tuần tra thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Động thái này được cho là sẽ khiến Trung Quốc nổi giận.
Trước đó, một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tránh thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông để đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Phản ứng trước thông tin này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay tại Bắc Kinh cảnh báo chuyến tuần tra của tàu hải quân Mỹ có nguy cơ “gây rối các cuộc thương lượng giữa các bên liên quan ở biển Đông”, Reuters đưa tin.