Việt Nam, Lào và Campuchia lần đầu họp bàn chống tiền giả

Tiền giả thường vượt biên "chui" vào Việt Nam
Tiền giả thường vượt biên "chui" vào Việt Nam
TPO - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số lượng tiền giả ngày một tăng, mỗi năm ngân hàng thu giữ hàng chục tỷ tiền Việt Nam đồng giả, chủ yếu là các loại có mệnh giá cao.

Lần đầu tiên, Ngân hàng trung ương 3 nước Việt Nam, Lào và - Campuchia có sáng kiến tổ chức 1 Hội nghị về hợp tác trong lĩnh vực in ấn, phát hành tiền và phòng, chống tiền giả; đồng thời ký thỏa thuận chung về tăng cường hợp tác. 

Tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất giữa 3 nước diễn ra cuối tuần qua, các ý kiến thống nhất nhận định, tội phạm tiền giả hiện nay đang là vấn nạn của mỗi quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Nỗ lực của mỗi quốc gia trong công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này là chưa đủ, mà cần phải có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các quốc gia trong công tác này, nhất là những nước có chung biên giới.

Theo đó, ngân hàng trung ương ba nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Bộ Công an, Bộ đội biên phòng, Tòa án, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương của các tỉnh có chung biên giới…) của mỗi nước, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng của 03 nước để cung cấp thông tin ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và xử lý tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả. Đặc biệt, vấn đề kiểm soát biên giới, quan tâm bổ sung những điều khoản hợp tác mà các cơ quan chức năng năng 03 nước chưa đặt ra về vấn đề phòng chống tiền giả.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) của cả Việt Nam, Lào và Campuchia, đặc biệt là các TCTD Việt Nam có chi nhánh tại Lào và Campuchia cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, ngân hàng trung ương nước sở tại nắm bắt tình hình tiền giả, thủ đoạn mua bán, tiêu thụ, vận chuyển tiền giả và phương thức, kỹ thuật làm tiền giả của tội phạm. Kịp thời cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm tiền giả; Chủ động và tăng cường đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền giả của cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia cho đội ngũ nhân viên làm công tác kiểm ngân, thủ quỹ, giao dịch; đầu tư trang bị các loại máy kiểm đếm tiền, phân loại hiện đại, có độ tin cậy cao…

“Chúng ta có thể nhận thấy vấn đề tiền giả có tác động rất lớn đến nền kinh tế và đời sống. Chính vì vậy, Chính phủ Lào luôn quan tâm đến phòng chống tiền giả. Lào đã xây dựng khung pháp lý về lĩnh vực này. Ngân hàng CHDCND Lào đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành liên quan, đồng thời chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục cho người dân nhận biết được đâu là tiền thật, tiền giả. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã làm video tuyên truyền cách nhận biết phân biệt tiền thật, tiền giả tại các địa phương, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa”, Phó Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào nói.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số lượng tiền giả ngày một tăng, mỗi năm ngân hàng thu giữ hàng chục tỷ tiền Việt Nam đồng giả, chủ yếu là các loại có mệnh giá cao. Đây là số tiền giả do các ngân hàng, kho bạc phát hiện và thu giữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thì trên thực tế, số lượng tiền giả đang lưu hành trên thị trường còn lớn hơn rất nhiều. Ngoài 2 loại tiền giả phổ biến có mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng, các đối tượng buôn bán tiền giả đang “đầu tư” vào loại 20.000 đồng.

Trước đó, đại diện Bộ Công an từng đề cập tới việc xây dựng cơ chế trao đổi thông tin tình hình tội phạm liên quan tiền giả giữa Công an Việt Nam và Công an Trung Quốc, Campuchia và Lào. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể, đồng bộ giữa lực lượng Công an, Biên phòng các tỉnh biên giới của Việt Nam với các lực lượng của Trung Quốc, Campuchia và Lào trong trao đổi thông tin, tăng cường kiểm tra, giám sát không để các đối tượng phạm tội lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, địa hình phức tạp để vận chuyển tiền giả vào Việt Nam tiêu thụ.

MỚI - NÓNG