Việt Nam đến gần hơn công nghệ vũ trụ

Việt Nam đến gần hơn công nghệ vũ trụ
TP - VNRED Sat-1, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam sẽ được phóng lên vũ trụ đưa Việt Nam trở thành một trong 25 quốc gia trên thế giới sở hữu vệ tinh quan sát Trái đất. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trò chuyện cùng TS Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, nhân sự kiện này.

> Ngày 3/5, Việt Nam phóng vệ tinh mới

Thưa ông, việc phóng vệ tinh VNRED Sat -1 có ý nghĩa như thế nào?

Việt Nam từng hai lần phóng vệ tinh là Vinasat -1 và Vinasat - 2. Đó là những vệ tinh địa tĩnh đang làm việc ở độ cao 35.800 km, vị trí tương đối gần như không thay đổi so với Việt Nam.

Trong khi đó vệ tinh VNRED Sat -1 nằm trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời, cho phép vệ tinh chuyển động trên toàn cầu và có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt Trái đất từ độ cao xấp xỉ 663 km.

Nhờ đó chúng ta có được những bức ảnh vệ tinh phân giải cao, giúp chủ động theo dõi diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu, bão lụt, cháy rừng, tràn dầu; điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng, đất nông nghiệp các loại; chỉnh lý các bản đồ địa hình, xây dựng các bản đồ cấu trúc kiến tạo địa chất, theo dõi sự di chuyển của cá, phục vụ đánh bắt xa bờ.

Với việc phóng VNRED Sat -1, Việt Nam trở thành một trong 25 quốc gia có vệ tinh quan sát Trái đất. Việt Nam sẽ dần nắm bắt công nghệ vận hành, điều khiển vệ tinh, xử lý ảnh- sản phẩm, tiếp cận quá trình thiết kế, chế tạo vệ tinh ở mức công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới.

Mô hình vệ tinh VNRED Sat-1 được đặt tại Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hoài
Mô hình vệ tinh VNRED Sat-1 được đặt tại Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hoài.

VNRED Sat -1 sẽ hoạt động thế nào?

 “Hơn một thập kỷ trở lại đây, vệ tinh dưới 500kg trở thành xu hướng phát triển trên thế giới bởi chi phí sản xuất thấp, hiệu quả cao”. 

TS Bùi Trọng Tuyên

Sau khi được phóng lên vũ trụ từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp, bằng tên lửa đẩy VEGA, chúng ta có thể thu nhận được tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh VNREDSat-1 vào lúc 14h30 ngày 4/5. Hai ngày sau, dự kiến có thể thu nhận được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên. Sau đó một ngày là những bức ảnh chụp lãnh thổ Việt Nam. Tiếp theo là giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong ba tháng. Tuổi thọ của VNRED Sat -1 là năm năm.

Vậy, Việt Nam đang ở vị trí nào trong ngành công nghệ vũ trụ?

Trong ASEAN, theo một phân loại không chính thức, Việt Nam có trình độ phát triển công nghệ vũ trụ ở mức trên trung bình cùng với Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Việt Nam cũng là 1 trong 25 quốc gia trên thế giới có vệ tinh quan sát Trái đất riêng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác có đủ tiềm lực nhưng họ không làm. Bỉ là một ví dụ.

Tất nhiên, so với các quốc gia phát triển như Nga, Mỹ, Nhật, chúng ta đi sau họ khá nhiều.

Cảm ơn ông.

NGUYỄN HOÀI
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG