Việt Nam có thể trở thành 'vịnh tránh bão' trong cuộc chiến thương mại

TP - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với những thách thức, cơ hội cho Việt Nam là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 27/10.

Đại biểu còn nhận định, đây sẽ là thời điểm nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu và có thể trở thành “vịnh tránh bão” trong cuộc chiến thương mại này.

Tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề cập đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ông cho rằng, Việt Nam với vị trí địa lý đặc biệt và phụ thuộc nhiều vào hai thị trường này, trong đó có vấn đề biển Đông đang rất phức tạp nên chịu tác động rất lớn từ cuộc đối đầu trên. Trong đó, dễ thấy nhất là chịu sự rủi ro về thương mại, tiền tệ và dòng vốn.

Việt Nam có thể trở thành 'vịnh tránh bão' trong cuộc chiến thương mại ảnh 1 ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) 

Tuy nhiên, ông cho rằng, Việt Nam có thể nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để “né” thuế, tức là có thể trở thành “vịnh tránh bão” trong cuộc chiến này thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực.

Theo ông, trước thời điểm nhạy cảm này phải có chính sách ngoại giao để hoá giải được tình thế cũng như chớp được cơ hội, đồng thời tránh hoặc giảm được những rủi ro. “Cần thực hiện đa dạng hoá thị trường, đa phương hoá đối tác thương mại, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Mỹ”, ông Đồng nêu quan điểm.

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam hiện có độ mở cao và rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài. Ông đặt vấn đề, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ tiếp tục leo thang, liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10% cho 2 năm tới? Liệu các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam? Ông cho rằng, việc xác định các mục tiêu khác như thu, chi ngân sách, nợ công rất cần có sự thận trọng và cân nhắc kỹ, không nên dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP.

Đồng tình với nhìn nhận của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây không đơn thuần là tranh chấp thương mại, mà còn là câu chuyện địa chính trị và sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ. Vì thế, chiến lược sắp tới đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là khai thác tốt cơ hội và hạn chế nguy cơ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ đã xây dựng các kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Việt Nam có thể trở thành 'vịnh tránh bão' trong cuộc chiến thương mại ảnh 2     Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Báo cáo giải trình thêm những vấn đề mà ĐB nêu ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời gian tới Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, hiệu quả nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng với đó, tiếp tục phấn đấu, đẩy nhanh phát triển khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, Chính phủ nhất quán coi ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, và sẽ củng cố nền tảng vĩ mô và tăng khả năng chống chọi của hệ thống ngân hàng trước những biến động kinh tế. Tuy nhiên, với độ mở kinh tế lớn, lên tới 200% GDP trong khi tình hình thế giới có diễn biến bất thường, như chính sách lãi suất của FED làm giá đồng USD tăng lên có thể gây áp lực trong điều hành vĩ mô của Chính phủ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định: “Chưa bao giờ và không bao giờ Chính phủ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Chính phủ cũng không có động thái nới lỏng lạm phát”.             

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.