Bão số 2 hình thành từ một vùng áp thấp ở phía đông của khu vực giữa Biển Đông, nhanh chóng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào sáng ngày 19/7 và tiếp tục mạnh lên thành bão vào sáng 21/7, trở thành cơn bão số 2 hoạt động trên Biển Đông trong mùa mưa bão năm nay.
Cùng với bão số 2, ngoài khơi Philippines hình thành cơn bão mạnh tên Gaemi. Sự tương tác giữa bão số 2 và cơn bão này khiến cho diễn biến về cường độ và đường đi của bão số 2 rất phức tạp, khó lường.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia vào chiều qua (21/7), kịch bản có khả năng cao nhất là bão số 2 sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, đi vào đảo Hải Nam của Trung Quốc trong sáng nay, sau đó di chuyển tiếp theo hướng tây bắc vào vịnh Bắc bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi đổ bộ các tỉnh Đông Bắc của miền Bắc nước ta vào ngày 23/7 với cường độ khoảng cấp 6-7, giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp và di chuyển lên phía đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với cường độ giảm xuống dưới cấp 6.
Từ đêm nay (22/7), miền Bắc bắt đầu đón mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2. Ảnh minh họa: Như Ý |
Nếu kịch bản này xảy ra, theo các chuyên gia, Việt Nam kết thúc kỷ lục hơn 640 ngày không có bão đổ bộ trực tiếp đất liền. Trước đó, trong mùa bão năm 2023, Việt Nam không ghi nhận bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền. Mùa bão năm 2024, cơn bão số 1 đi lên đất liền Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, do sự tương tác với cơn bão rất mạnh Gaemi nên diễn biến về đường đi và cường độ của bão số 2 còn phức tạp, khó lường, các kịch bản khác vẫn có xác suất xảy ra. Vì vậy, cần liên tục cập nhật các bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.
Dự báo do ảnh hưởng của bão số 2, từ sáng nay, vùng biển phía bắc vịnh Bắc bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m.
Trên đất liền, từ đêm 22/7 đến ngày 24/7, miền Bắc và Thanh Hóa có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Trong đó tổng lượng mưa khu vực Đông Bắc Bắc Bộ từ 100-200mm, có nơi trên 250mm. Các khu vực khác của Bắc bộ và Thanh Hoá từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Trong mưa bão có khả năng xảy ra lốc sét và gió giật mạnh. Nguy cơ ngập úng ở vùng trũng thấp và lũ quét, sạt lở đất ở các sườn dốc do mưa lớn kéo dài.
Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó bão số 2
Ngày 21/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có Công điện số 70/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ. Theo dự báo, trưa và chiều mai (ngày 22/7) bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc bộ, gây gió mạnh trên biển; bão có thể gây mưa to đến rất to tại các địa phương khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc bộ.
Để chủ động ứng phó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
Văn Kiên