+ Thưa Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hà, động lực nào để ông tự ứng cử ĐBQH khoá XV?
Động lực lớn nhất của tôi đó là những năm tháng làm việc liên quan đến công tác thi đua khen thưởng. Tôi có 43 năm công tác, 38 năm tuổi Đảng, hơn 20 năm làm công tác thi đua khen thưởng.…Từ Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Tỉnh uỷ Thanh Hoá, rồi ra Trung ương làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng các bộ, ngành T.Ư, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư. Tôi cũng đi nhiều nước trên thế giới để học tập nghiên cứu về công tác khen thưởng, áp dụng vào Việt Nam; tham mưu cho Hội đồng Thi đua Khen thưởng T.Ư, Ban thi đua khen thưởng T.Ư… Tôi cảm nhận rằng, Luật Thi đua Khen thưởng tuy đã sửa đổi 2 lần và có hàng chục Nghị định, nhưng vẫn còn những “món nợ”.
Cụ thể, đối tượng mắc nợ trực tiếp là doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân, nông dân, người lao động, người dân ở việt Nam, cả những kiều bào ở nước ngoài… Họ có những đóng góp, thành tích đáng kể, công lao nhiều, thậm chí có đóng góp lớn, nhưng không có điều kiện, hoặc Luật chưa có quy định khen thưởng cho những thành phần, đối tượng này. Ví dụ, ở nước ngoài, doanh nghiệp giải quyết được bao nhiêu việc làm, đóng góp ngân sách lớn, đảm bảo về môi trường, tuỳ từng mức độ sẽ được xem xét khen thưởng. Nhưng ở Việt Nam thì chưa làm được. Hay như người dân, nhiều cá nhân đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội bằng vật chất, tinh thần, nhưng có bao nhiêu người được khen thưởng cấp nhà nước…
Tôi rất tiếc, như trước đây Nghị định 65 quy định, nếu người dân đóng góp 500 triệu đồng trở lên (là tiền sạch) thì được tặng bằng khen của Thủ tướng, 300 triệu đồng thì được nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng sau đó văn bản dừng lại. Đến bây giờ, những cá nhân, tập thể đóng góp như thế và nhiều hơn thế cả về vật chất, tinh thần lại không được ghi nhận, hoặc chưa được ghi nhận.
Thậm chí nếu có ghi nhận, đề nghị khen thưởng thì thủ tục rất rườm rà, làm giảm ý chí, nhiệt huyết nên họ tâm tư và rất buồn. Do vậy tôi muốn ứng cử ĐBQH để chuyển tải những tâm tư nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp đến Quốc hội, nhằm sửa đổi Luật Thi đua Khen thưởng, thậm chí thay thế Luật Thi đua Khen tưởng để phù hợp hơn trong tình hình mới, thời kỳ phát triển đất nước hiện nay.
+ Như ông vừa nói, cần thay thế, sửa đổi Luật Thi đua Khen thưởng để tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp cống hiến, thi đua lao động sản xuất. Ông cũng nhấn mạnh đến tiêu chí bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Ông có thể phân tích sâu hơn về vấn đề này?
Vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay là vấn đề lớn của cả thế giới và nước ta. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn thấy những hình ảnh không tốt với môi trường. Tôi đang ấp ủ những kiến nghị đề xuất, khi sửa đổi Luật Thi đua Khen thưởng sẽ hạn chế những vấn đề không định lượng được. Ví dụ, vấn đề bảo vệ môi trường phải nằm trong một trong những điều của Luật, bắt buộc tập thể cá nhân khi được khen thưởng phải đảm bảo vấn đề môi trường; phải được các cơ quan chức năng giám định, đánh giá, xác nhận.
Cùng với đó, phải đơn giải hoá thủ tục để khen thưởng. Với doanh nghiệp, 3 tiêu chuẩn chính để được khen thưởng phải là giải quyết được việc làm, đóng góp ngân sách, bảo vệ môi trường. Có thể có chương riêng cho khen thưởng doanh nghiệp. Nếu thiếu 1 trong 3 tiêu chí thì không thể thẩm định và khen thưởng được…
+ Thưa ông, trước đây có một số ý kiến cho rằng những người tự ứng cử ĐBQH là những người khác biệt. Ông cảm nghĩ gì về những ý kiến này?
Tôi cũng đã nghe nhiều về vấn đề này. Người ta cũng nói nôm na là “quân xanh, quân đỏ”, đại loại nếu không được tổ chức, đoàn thể giới thiệu thì chỉ là “quân đỏ, quân xanh”. Khi những thông tin đó được đưa ra thì người ta cũng phải suy nghĩ; cảm thấy hơi thiếu tự tin. Nhưng về bản chất không phải như vậy. Đợt này, phương tiện truyền thông làm khá tốt, tuyên truyền khá nhiều, đặc biệt là nhấn mạnh việc tiêu chuẩn, điều kiện của người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử.
Tôi thấy tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, kể cả người được giới thiệu và người tự ứng cử đều như nhau, không khác biệt là mấy. Theo hướng dẫn 36 của Ban tổ chức T.Ư, đối với Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo mà tự ứng cử thì phải có xác nhận đồng ý của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ; đồng thời phải có xác nhận, đồng ý của Đảng uỷ, Chi bộ cơ sở. Ngày 8/3, tôi đọc được bài phỏng vấn của ĐBQH Nguyễn Anh Trí, sau đó tôi tìm hiểu về thủ tục tự ứng cử.
Tôi hoàn thiện hồ sơ từng bước, đến ngày 14/3 thì xong, nộp đúng hạn quy định. Theo tôi, đây là dịp thử thách về tính dân chủ và là thước đo giá trị về chủ trương trọng dụng, tìm kiếm người tài của Đảng ta đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Là cơ hội để chúng ta thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức có tài xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.
+ Ông có đề cập đến ĐBQH Nguyễn Anh Trí, một người cũng tự ứng cử ĐBQH khoá XIV và có nhiều hoạt động nổi bật trên nghị trường. Ông có coi đó là nguồn cảm hứng cho mình khi tự ứng cử ĐBQH?
Điều truyền cảm hứng cho tôi chính là khoảng thời gian tôi làm công tác quản lý nhà nước về công tác thi đua khen thưởng. Tôi rất quan tâm, thường xuyên theo dõi những buổi truyền hình trực tiếp của Quốc hội. Tôi thấy những phát biểu, đề xuất của các ĐBHQ rất trúng, chuẩn và chính xác; giúp cho chúng tôi rất nhiều trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về công tác thi đua khen thưởng trên phạm vi cả nước. Công tác thi đua khen thưởng liên quan đến tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị của nhà nước ta, kể cả hơn 100 cơ quan tổ chức của Việt Nam, đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, rồi các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam… Cho nên thông qua những phát biểu ở diễn đàn QH, đặc biệt là những phát biểu của những ĐBQH có “thương hiệu”, trong đó có anh Trí, tạo ra sức hút, tạo ra cảm hứng cho tôi.
Cảm hứng thứ hai là lần này, thông qua cơ quan truyền thông đại chúng, cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV được tuyên truyền rất sâu, rộng, ngày càng thể hiện chiều sâu bản chất dân chủ của nhà nước ta, thậm chí có những văn bản hướng dẫn dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu. Mỗi người dân, Đảng viên đều có thể tiếp cận được, đối chiếu với mình, có đáp ứng được tiêu chuẩn không. Nếu thấy đáp ứng được, đủ điều kiện tiêu chuẩn, có nhiệt huyết, có tâm huyết thì tự ứng cử.
Đúng như Bác Hồ đã từng nói: “Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử…”. Bác nói rất dân dã, biện chứng và rất sâu sắc.
Từ câu nói của Bác, tôi cảm thấy như được truyền thêm năng lượng, cảm hứng và muốn trả những món nợ với dân về thi đua khen thưởng. Bao nhiêu năm kinh nghiệm công tác, làm việc trong lĩnh vực này, cộng với nhiệt huyết cống hiến nên tôi mạnh dạn ứng cử. Tôi thấy còn tâm huyết, còn trách nhiệm để phụng sự nhân dân.
Xin cám ơn ông!