Công bằng, nhân văn trong xử lý
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến với các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, ông Lê Minh Trí cho biết, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu VKSND các cấp phải xác định đúng bản chất, động cơ của tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ.
Cùng với đó, áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngay từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản đạt kết quả cao nhất.
Bên cạnh đó, Ngành Kiểm sát đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời khởi tố, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Về thực hiện chức năng nhiệm vụ thời gian tới, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh quan điểm thực hiện cơ chế “Công tố song hành điều tra” ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra thực hiện 7 hoạt động điều tra bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia.
Đồng thời trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, chủ động đề ra yêu cầu điều tra, phúc cung trong giai đoạn truy tố để thẩm định, đánh giá chứng cứ; bảo đảm yêu cầu không để xảy ra oan, lọt hoặc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại.
Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra phân loại, phân hóa sâu đối với bị can và các đối tượng có liên quan, bảo đảm việc khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế có căn cứ, đúng pháp luật; chứng minh đúng bản chất vụ án; bảo đảm công bằng, nhân văn trong xử lý, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Bổ nhiệm 6 Phó Viện trưởng từ nguồn tại chỗ
Viện trưởng VKSND tối cao cũng khẳng định, luôn coi trọng công tác cán bộ. Trong đó việc lựa chọn đúng và phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cấp Kiểm sát sẽ quyết định chất lượng công tác của toàn Ngành.
Trong việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát, với nhận thức: Ngành Kiểm sát là ngành thực thi pháp luật theo sự phân công của Đảng, luôn quán triệt và chấp hành nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, trong lãnh đạo, chỉ đạo luôn gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng Ngành, đơn vị các cấp kiểm sát; coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Viện trưởng cũng thông tin, trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, VKSND tối cao đã quy hoạch, đào tạo và báo cáo cấp có thẩm quyền bổ nhiệm 6 Phó Viện trưởng từ nguồn tại chỗ. Trong đó có 2 người trong nguồn quy hoạch Trung ương; điều động, luân chuyển, biệt phái nhiều Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng về giữ chức vụ Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và ngược lại. Chỉ riêng 2 năm 2021, 2022 đã có 32 cán bộ trong diện nêu trên được luân chuyển, điều động, biệt phái.
Về công tác cán bộ trong thời gian tới, ông Trí khẳng định, tiếp tục yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác định kỳ để phòng ngừa tiêu cực, khắc phục tâm lý trì trệ, thỏa mãn, dẫn đến sai sót trong khi làm nhiệm vụ…