Viêm amidan khi nào nên cắt?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Phẫu thuật amidan rất phổ biến, song cần có chỉ định chặt chẽ khi amidan viêm mạn tính nhiều lần, gây biến chứng, tắc nghẽn đường thở trên làm khó nuốt, ngáy, ngưng thở khi ngủ...

Ngã tư đường ăn, đường thở có một hệ thống tổ chức lympho làm nhiệm vụ sản xuất ra các tế bào bạch cầu và kháng thể có khả năng tiêu diệt các tác nhân xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Amidan khẩu cái là hai khối bạch huyết lớn nhất và quan trọng nhất của hệ thống đó, thường gọi tắt là amidan.

Mũi miệng là nơi tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, dễ bị xâm nhập và gây hại bởi vi khuẩn, virus, ô nhiễm không khí, thức ăn… Không khí hít vào qua mũi, thức ăn qua miệng có chứa nhiều loại vi khuẩn. Vi khuẩn bám vào amidan, bạch cầu bắt lấy vi khuẩn đem vào bên trong. Nơi đây vi khuẩn được nhận diện và cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để diệt vi khuẩn.

Amidan lúc sinh ra đã có và là tổ chức bình thường của con người. Nhiệm vụ miễn dịch của amidan rất cần thiết để bảo vệ cơ thể. Amidan thường bắt đầu hoạt động lúc bạn 3 tuổi. Nó phát triển ở tuổi thiếu nhi và teo dần ở tuổi dậy thì.

Chỉ nên cắt amidan khi có chỉ định của bác sĩ. Ảnh: medicmagic

Chỉ nên cắt amidan khi có chỉ định của bác sĩ. Ảnh:medicmagic

Nguyên nhân gây viêm amidan:

- Vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, các chủng ái khí và yếm khí.

- Virus cúm, sởi, ho gà...

- Thời tiết thay đổi đột ngột (bị lạnh đột ngột khi mưa, độ ẩm cao...) các vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng trở nên gây bệnh.

- Ô nhiễm môi trường do bụi, khí, điều kiện sinh hoạt thấp, vệ sinh kém.

- Sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng.

- Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng như sâu răng, viêm lợi,viêm nha chu, viêm quanh thân răng khôn,   viêm xoang…

- Do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều khe kẽ, hốc, ngách là nơi cư trú, ẩn nấu và phát triển của vi khuẩn. Hơn nữa amidan nằm trên ngã tư đường ăn và đường thở, là cửa ngõ cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào.

Biểu hiện của viêm amidan

Viêm amidan chia ra làm hai dạng chính là viêm cấp và viêm mạn.

Viêm amidan cấp:

- Sốt 39-40 độ, đau họng.

- Khó nuốt, chảy nước bọt.

- Đè lưỡi: amiđan đỏ, to, đau.

- Dịch nhờn và mủ từ hốc amidan.

- Lưỡi gà phù nề.

Viêm amidan mạn:

- Do điều trị không đúng cách, tái đi tái lại nên viêm amidan cấp thành viêm amidan mạn.

- Không sốt, không đau họng.

- Nuốt vướng.

- Ho húc hắc, có thể có những cơn bộc phát cấp.

Biến chứng của viêm amidan không được điều trị

- Nhiễm trùng hay phì đại amidan có thể gây đau họng mãn tính hay đau tái đi tái lại.

- Hơi thở hôi, áp xe hoặc viêm tấy quanh amidan.

- Viêm tai, mũi, xoang, thanh khí phế quản cấp tính.

- Tắc nghẽn đường thở trên gây khó nuốt, ngáy, ngưng thở khi ngủ.

- Viêm nội tâm mạc, thấp khớp cấp, viêm cầu thận cấp, nhiễm khuẩn huyết.

Điều trị

Điều trị viêm amidan cấp tính:

- Kháng sinh liệu pháp.

- Giảm đau, giảm viêm, giảm ho, giảm sốt, vệ sinh răng miệng.

- Nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống nước nhiều.

- Vệ sinh răng miệng, nâng đỡ cơ thể: yếu tố vi lượng, sinh tố, canxi...

Điều trị viêm amidan mạn tính: 

Phẫu thuật amidan hiện nay là rất phổ biến. Tuy nhiên cần có chỉ định chặt chẽ, thường trong trường hợp amidan viêm mạn tính nhiều lần (thường 5-6 lần trong một năm), amidan viêm mạn tính gây biến chứng, tắc nghẽn đường thở trên gây khó nuốt, ngáy, ngưng thở khi ngủ.

Chống chỉ định phẫu thuật tuyệt đối trong trường hợp bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu, cao huyết áp, suy tim... 

Chống chỉ định phẫu thuật tương đối:

- Khi đang có viêm nhiễm cấp tính tại amidan, vùng xung quanh amidan như mũi, xoang và toàn thân như cúm, sởi, sốt xuất huyết… thì phải điều trị cho qua đợt cấp, ổn định mới được cắt.

- Khi đang có bệnh mạn tính chưa ổn định như tiểu đường, viêm gan, lao, bệnh giang mai, AIDS...

- Phụ nữ đang thời kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai hoặc đang nuôi con bú.

- Các cháu bé dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 30 tuổi.

Lưu ý sau khi cắt amidan

Uống thuốc đầy đủ theo toa bác sĩ. Nghỉ ngơi hợp lý, nên nghỉ làm, nghỉ học khoảng một tuần đến 10 ngày. Nên nằm đầu cao. Bằng cách kê đầu cao hơn tim sẽ giúp bạn giảm được phù nề và sưng. Nên dùng các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa.

Tuân thủ chế độ ăn trong 10 ngày, nên ăn thức ăn mềm, lỏng, lạnh, không ăn chua. Các loại thức ăn nóng, cứng nên tránh vì có thể gây trầy xước chỗ mỗ và làm chảy máu. Uống nước thật nhiều vừa tránh chảy máu vừa tránh mất nước.

Ðôi khi sau mổ có thể bị nôn chừng 1-2 lần. Nếu kéo dài và nôn nhiều lần, bác sĩ điều trị sẽ cho thuốc để điều chỉnh dạ dày giúp bớt nôn.

Nên đến bác sĩ trong các trường hợp máu chảy liên tục kéo dài không kiểm soát được từ mũi hoặc miệng, sốt trên 38,6 độ C kéo dài dù uống nhiều nước và uống thuốc đầy đủ; đau đầu kéo dài, không giảm đau dù đã dùng các thuốc giảm đau; sưng, đau, phù nề tăng dần, không thuyên giảm dù đã uống thuốc theo toa.

Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG