Trả lời tại cuộc họp báo, Quốc hội vừa quyết định phương án đã uống rượu bia thì không lái xe, nhưng lại có vênh so với Luật Giao thông đường bộ. Vậy chế tài xử phạt vi phạm tới đây như thế nào? Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, về chế tài xử phạt, Nghị quyết kỳ họp Quốc hội vừa được thông qua đã nêu rất rõ việc này.
Cụ thể, Nghị quyết giao Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt hành chính, trong đó có việc tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia vi phạm an toàn giao thông. “Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Quốc hội”, ông Lợi nhấn mạnh.
Về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải, quy định đã uống rượu bia thì không lái xe đã thể hiện quyết tâm, mạnh mẽ hơn so với Luật Giao thông đường bộ. Về việc lấy ý kiến thăm dò vừa qua chưa đạt 50%, theo ông Phúc, do đại biểu Quốc hội chưa hiểu rõ nội dung này, nên biểu quyết chưa cao. Nhưng sau đó tại các phiên họp, được giải thích rõ, đại biểu đã hiểu rõ hơn nên phiên biểu quyết thông qua dự án luật lại nhận được sự đồng thuận cao với quy định đã uống rượu bia thì không lái xe.
Từ dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vừa được thông qua, Quốc hội có nên xây dựng Luật vận động hành lang trong quá trình xây dựng luật? Trả lời nội dung này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lý giải, việc nghiên cứu pháp luật, ở một số nước cũng có Luật Vận động hành lang, nhưng không nước nào giống nước nào.
Còn chúng ta, trong quá trình soạn thảo dự án luật cũng được diễn ra công khai, lấy ý kiến công khai, thậm chí có dự án phải lấy ý kiến nhân dân. Đồng thời lấy ý kiến của các cơ quan tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu tác động, sau đó mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, rồi mới trình ra Quốc hội.
Theo ông Tùng, hiện chưa có một kiến nghị nào đề nghị liên quan đến một dự án luật như vậy cả. “Nếu có ý kiến đề xuất, Quốc hội sẽ xem xét có nên ban hành luật như vậy hay không?”, ông Tùng nhấn mạnh.