Nhưng khi được hỏi "thế việc lớn của ông là việc gì?" thì ối ông không trả lời được.
Minh Nguyệt, 26 tuổi làm nhân viên văn phòng vừa nghỉ nhà ôm con ốm vừa ấm ức. Đã 2 ngày nay thằng bé sốt cao trong khi bố nó tuyệt nhiên chẳng thấy mặt. Ban ngày chồng Nguyệt vẫn đi làm, tối đến đi đánh tennis một buổi, đi ăn tối với sếp một buổi. Anh chỉ về nhà sau 10 giờ và không hề đỡ đần vợ trong việc trông con, ngay cả pha hộ bình sữa lúc nửa đêm cũng không. Nguyệt tỏ thái độ thì nhận được "luận điệu" của chồng: "Con em đẻ thì em nuôi chứ. Chăm con là việc đàn bà, đàn ông chỉ lo việc lớn!".
Thu nhập của chồng Minh Nguyệt cao gần gấp đôi vợ song khoản "tiêu vặt" của anh cũng ngốn nửa ngân sách gia đình. Hàng tháng Nguyệt vẫn phải khá vất vả xoay thì chi tiêu gia đình mới đủ. Song đó không phải điều chồng Minh Nguyệt quan tâm - "đàn ông để ý chi tiêu là đàn ông tủn mủn!".
Thái độ từ chối các công việc không tên trong gia đình, từ chối hoặc cố tình đẩy sang vợ phần hơn các công việc chăm lo nhà cửa, chăm sóc con cái vẫn cực kỳ phổ biến ở các ông chồng, dù họ đều biết đó là tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng giới nhưng vẫn vin vào các khuôn phép xưa cũ để không chịu thay đổi.
Đa phần các bà vợ lấy phải chồng có tư tưởng như vậy thường cảm thấy bức xúc, ấm ức trong cuộc sống. Người nhu sẽ âm thầm chịu đựng cho gia đình êm ấm, bất chấp sự ảnh hưởng của bất công này lên chất lượng cuộc sống của chính mình. Người cá tính mạnh sẽ "phản ứng" và không ít các cuộc ly hôn trong xã hội hiện đại do vợ đứng đơn bỏ chồng, do cô ấy không cảm thấy người chồng đáp ứng được những yêu cầu của mình về tình yêu thương, sự sẵn sàng san sẻ những trách nhiệm...
Đối chiếu một chút với những trường hợp như chồng Minh Nguyệt, vẫn có những người đàn ông khi đạt đến một trình độ hiểu biết nhất định, có thu nhập cao và công việc rất tốt, lại rất có ý thức chia sẻ, đỡ đần vợ mọi công việc lớn nhỏ trong cuộc sống. Cảnh đàn ông thu nhập tính bằng nghìn đô cuối tuần vẫn vào bếp rửa rau giúp vợ hay dành thời gian chơi với các con cũng không còn là hiếm. Đa phần họ có cuộc sống hạnh phúc, hôn nhân thành công do đã biết chọn đúng nền tảng hôn nhân là trân trọng lẫn nhau, san sẻ mọi gánh nặng để có chất lượng cuộc sống tốt nhất.
Nếu bạn nghĩ bạn thực sự là đàn ông và cần phải làm "việc lớn", công việc lớn nhất có lẽ không phải ra ngoài "quan hệ" qua rượu chè bia bọt, chém gió mơ hão một ngày xây được nhà. Công việc lớn nhất của đàn ông là mang lại hạnh phúc cho người phụ nữ của họ.