Đó là quan điểm của một đồng nghiệp cùng cơ quan tôi. Có lẽ vì thế, chị luôn thui thủi làm việc nhà một mình trong khi chồng chị thường được các cô cùng cơ quan ca ngợi là nhiệt tình hay giúp đỡ mọi người mà không từ việc gì cả.
Ngược lại, có một đồng nghiệp khác dù bản tính của anh hơi lười biếng nhưng mỗi khi cô vợ cất tiếng gọi thì anh chàng cứ co giò mà chạy. Hở một tí là anh ơi… làm giúp em cái này…anh ơi… làm giùm em cái nọ… mà mỗi câu anh ơi cứ ngọt lịm như mía lùi, ai nghe thấy cũng phải phì cười và bảo: “Nghe gọi thế thằng Thanh chết là phải”.
Mỗi lần vợ cất tiếng ngọt ngào "Anh ơi..." ngọt như mía lùi là việc bé việc lớn trong nhà anh làm hết. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mọi việc trong nhà dù lớn bé đến đâu cũng một tay anh làm hết. Có chồng đỡ đần, cô vợ thảnh thơi. Bù lại, nàng lại chìu anh hết mực. Từ quần áo, giày dép, điện thoại di động… anh chàng cần gì cô nàng đáp ứng đầy đủ, đến cả sở thích chiều chiều lai rai chút đỉnh cùng bạn bè… Được cái anh tươm tất việc nhà giúp vợ xong xuôi, mới ngồi vào bàn nhậu.
Gia đình anh tuy vật chất chưa dư dả gì nhưng chẳng bao giờ hàng xóm nghe tiếng hờn dỗi, cãi vã. Vì thế, câu chuyện về gia đình đồng nghiệp, luôn là đề tài để mọi người ngồi tám với nhau, người cười, người học tập làm kinh nghiệm sống, có cô còn hài hước: “Học bí quyết để sau trị chồng…”.
Có nhiều câu chuyện được kể nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là chuyện anh Thanh nổi cáu. Chuyện kể rằng: một buổi sáng chủ nhật, khi bè bạn đi uống cà phê nhưng anh Thanh vẫn làm hết việc này đến việc khác. Cứ mỗi lần nghe vợ gọi: anh ơi… là Thanh lại cuống cuồng. Nhưng có lẽ làm nhiều thấm mệt, lại thấy bạn bè trêu chọc nên Thanh đến trước mặt vợ nói to: “Này! Này! Đây nói cho mà biết, sáng đến giờ, anh ơi… không biết bao nhiêu lần rồi nhá!”.
Bật cười với cách nổi giận của chồng, chị Hoa đã dịu dàng: “Giờ anh nghỉ, đi chơi được rồi đấy”.
Khác với chị Hoa, mỗi lần nhắc đến chị Lan ai cũng bày tỏ sự thán phục vì nghệ thuật “cải tạo chồng” của chị. Trước khi lấy chị, anh Kha chưa bao giờ bước chân ra chợ. Anh nói: “Có thể ăn nước mắm cả tuần nhưng không bao giờ bước ra chợ nửa bước, cái cảm giác ai cũng nhìn mình khó chịu lắm”.
Từ khi lấy chị, thời gian đầu, cũng chỉ chị đi chợ, hôm nào có việc đột xuất, chị lại nhờ hàng xóm mua đồ dùm. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau, ai cũng nói anh thay đổi “180 độ”, không chỉ ra chợ mà anh thường xuyên đi chợ về nấu ăn giúp vợ hàng ngày.
Nhiều người thắc mắc hỏi bí quyết, chị chỉ cười và nói: “Trước hết phải luôn nói lời dịu dàng, hiểu và tôn trọng sở thích chính đáng của chồng. Khéo léo nhờ anh ấy làm giúp từng việc một cách từ từ. Khi chưa vừa ý cũng tỏ thái độ vui vẻ và luôn biết khen ngợi đúng lúc”. Người vợ phải luôn khéo léo dịu dàng, đừng bao giờ đòi hỏi sự công bằng trước mặt chồng. Đàn ông họ chúa ghét bị phân công công việc…
Nói rồi, cô Lan cười, nói như một lời khẳng định: “Chồng mình, mình nịnh có gì xấu không?” và nhắc nhỏ mấy cô gái mới cưới phải trổ tài “huấn luyện” từ khi mới về ở với nhau để chồng giúp vợ việc nhà trở thành thói quen. Nếu để càng lâu càng khó “cải tạo”.
Nói chung nếu người vợ tế nhị, khéo léo thì dù đàn ông có cứng rắn, khó tính đến đâu cũng phải “mềm lòng”. Không tin ư? Bạn cứ thử mà xem!
Phan Tuyết