Ông không bao giờ nói về chiến thắng, mà chỉ nói về các bài học” - đó là tâm sự của Đại tá Trịnh Nguyên Huân, người trợ lý về các vấn đề khoa học kỹ thuật có 35 năm sát cánh bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong giây phút đau đớn khi Đại tướng qua đời.
Nhà cầm quân lỗi lạc trong lịch sử nhân loại ấy không bao giờ nói về chiến thắng của cá nhân mình, mà chỉ nói về chiến thắng của Nhân dân.
Chiến tranh – Chiến đấu và Chiến thắng thật đặc biệt trong cái nhìn biện chứng và nhân văn của vị danh tướng suốt 30 năm làm Tổng Tư lệnh quân đội, trải qua ngàn chiến dịch. Với Đại tướng, những bài học còn lớn hơn là chiến thắng.
Chiến thắng nào mà không có mất mát, hy sinh. Tư tưởng lớn của Đại tướng, đó là: Không bao giờ coi trận đánh như một trận cờ. Và chiến sĩ không phải là những con tốt trên bàn cờ. Chiến tranh không phải là vấn đề thể diện, không được phiêu lưu mạo hiểm, không cho phép đánh đổi bằng bất cứ giá nào, phải hạn chế tối đa sinh mạng người lính ngã xuống chiến trường, vì không gì có thể bù đắp được nỗi đau ấy…
Không phải ngẫu nhiên, tạp chí Time nổi tiếng của Mỹ ra ngày 9/2/1968 đăng bài viết dài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp kèm bức chân dung chiếm trọn trang bìa, đã nhấn mạnh câu nói nổi tiếng của Đại tướng: “Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh”.
Theo ghi chép của nhà sử học Dương Trung Quốc, vị tướng vĩ đại nhất mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tâm niệm, đó chính là Nhân Dân. Tháng 6/1997, tại Hà Nội, Đại tướng có cuộc gặp gỡ với tướng Robert McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Khi được hỏi: Vị tướng nào trong chiến tranh được tướng Giáp đánh giá cao nhất? Đại tướng trả lời: “Vị tướng có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có Nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”.
Hồ Chủ tịch, buổi chiều lịch sử ngày 28/5/1948 tại căn nhà dựng bên bờ suối chiến khu Việt Bắc, trước bàn thờ Tổ quốc, khi trao sắc lệnh phong chức Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, đã “nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt mà không nói được tiếng gì… Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng nói mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”.
Sau khi hết lễ, ai nấy ngồi xung quanh, Hồ Chủ tịch mới xin lỗi mọi người. Bởi những dịp lễ có tính long trọng, “Cụ lại nhớ tới các tiên liệt, các bạn đồng chí từ bao nhiêu năm chiến đấu, chịu bao gian lao khổ sở, kẻ hy sinh đầu này người hy sinh chỗ nọ, nhờ những sự hy sinh dũng cảm ấy nên mới có ngày nay.
Mỗi lần nhớ đến các bạn ấy, là mỗi lần cầm lòng không đặng...” (theo Lê Văn Hiến - “Nhật ký của một Bộ trưởng” (NXB Đà Nẵng, 1995, tập 1). Tư tưởng lớn của vị Cha già dân tộc và vị tướng thiên tài đã gặp nhau từ ngay buổi đầu cuộc trường chinh gian khổ, đó là luôn nghĩ đến sự mất mát, hy sinh của đồng chí, đồng đội, của Nhân dân.
Chỉ ít ngày nữa, Đại tướng sẽ về an nghỉ bên dòng Kiến Giang quê nhà theo ý nguyện. Như người lính, sau trận mạc, lại trở về làng…