Vì Trường Sa từ những điều nhỏ nhất

Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Ảnh: Trường Phong
Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Ảnh: Trường Phong
TP - Vài “anh em”, cả lính Trường Sa, cả những người từng đi Trường Sa than thở trên facebook, đại loại, ai nói lương cao, cứ thử ra Trường Sa (Khánh Hòa) hay DK1 (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì biết…  

Giọt mồ hôi bỏng cháy

Tôi lục lại trong kho ảnh của mình về những đợt có may mắn đi công tác tại Trường Sa. Mới nhất, hồi tháng 5/2019, tôi theo đoàn công tác của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thăm Trường Sa. Vài bức ảnh chụp trong chuyến đi đã được in, tặng nhiều người bạn treo ở nhà, phòng làm việc.

Vài bức, cứ nhìn vào lại khiến tôi có nhiều suy nghĩ. Hà Nội mùa nắng nóng đã vất vả, ở Trường Sa có lẽ còn vất vả hơn nhiều. Bản thân tôi, vốn được mệnh danh là “thiết diện” vì mặt đen, cháy nắng, nhưng ra Trường Sa, chụp ảnh chung với một số anh em cán bộ, chiến sĩ, tôi vẫn thuộc diện “trắng” nhất.

Vì Trường Sa từ những điều nhỏ nhất ảnh 1 Phóng viên báo Tiền Phong tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông B
Một trong những ấn tượng lớn nhất là bức ảnh tôi chụp chiến sĩ Trần Văn Thịnh đứng bồng súng canh cột mốc chủ quyền giữa nắng gắt trên đảo Phan Vinh B. Đoàn công tác lên thăm đúng đỉnh điểm nắng nóng. Dù có gió biển, nhưng không đỡ là bao. Ai cũng tìm đến nước và chỗ trú nóng. Đảo đa phần toàn bê tông, hiếm thấy bóng cây xanh. Ngay cột mốc chủ quyền, Thịnh đứng bồng súng, tư thế đúng điều lệnh, mồ hôi nhỏ ròng ròng.

Nhiều đại biểu tranh thủ chụp ảnh với cột mốc và Thịnh nhưng chỉ vài giây là không chịu được nắng nóng. Mồ hôi trên mặt Thịnh nhỏ ròng ròng. Nắng chiếu thẳng vào mặt. Tôi vào gặp trực ban chỉ huy của đảo, hỏi một ca trực gác cột mốc chủ quyền bao lâu, vì chiến sĩ vất vả quá. Anh này cười, lát sau ra trao đổi một chút rồi Thịnh vẫn đứng đó. Lát sau, tôi mang nước cho Thịnh uống. Phải nhắc đi nhắc lại mấy lần chỉ huy đảo đồng ý, Thịnh mới dám uống. Hết ca gác, một chiến sĩ khác ra thay, bồng súng đứng ở cột mốc. Mồ hôi lại nhễ nhại, ánh nắng vẫn chiếu thẳng vào mặt.

Các chuyến công tác ở Trường Sa, dài thì vài chục ngày, ngắn thì khoảng trên dưới 10 ngày. Đó là diện “khách” ra Trường Sa. Thế mà, nhiều người chỉ vài ngày đã nhớ đất liền quay quắt. Cứ chờ có sóng điện thoại là gọi về cho người thân, gia đình… Cán bộ, chiến sĩ cả năm ở ngoài đó, giữa biển khơi mênh mông, đối diện với sóng to, gió lớn, lại luôn phải cảnh giác âm mưu của kẻ thù, có lẽ nỗi nhớ đất liền còn da diết hơn gấp bội.

Chúng tôi, những khi nói chuyện phiếm trên tàu, bảo giá như giờ này ngồi ở góc phố uống một cốc cà phê. Điều đó, với chúng tôi có lẽ đơn giản, chỉ cần tàu về đất liền là có. Nhưng, điều đó là mơ ước xa xỉ với cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Có người gần 2 năm mới về đất liền. Người vài năm về được vài tháng. Có người vợ sinh con không có mặt ở bên. Có người gần nửa đời người gắn bó với Trường Sa. Nhiều người đã đi qua cả chục điểm đảo, mỗi đảo ở vài năm.

Tính ra, thời gian ở cùng với gia đình trong cả chục năm chưa bằng một phần thời gian ở đảo. Như anh Hoàng Văn Huê ở đảo Sơn Ca, năm 2019 chia sẻ với Tiền Phong, bản thân anh đi đảo 12 năm, tính ra, mỗi năm ở cạnh vợ con, gia đình chỉ được 1 tháng. Đồng đội của anh Huê, biết bao người như thế. Rồi Trung tá Nguyễn Văn Lâm sau rất nhiều năm công tác ở Trường Sa (Khánh Hòa), giờ anh lại đang ở Nhà giàn DK1/20 (Bà Rịa – Vũng Tàu)…

Từ chiếc gương vỡ góc

Tháng 1/2018, chúng tôi có dịp thăm đảo Tốc Tan C trong hành trình thăm, tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Dịp này, biển động dữ dội. Để vào được đảo khá vất vả và nguy hiểm. Sóng biển, gió biển quần thảo dữ dội. Đảo Tốc Tan C khá hẹp, phòng họp nhỏ. Trong lúc Thủ trưởng đoàn công tác tặng quà, chúc Tết thì anh em phóng viên được dịp “lượn” một vòng. Tôi cứ để ý mãi chiếc gương vỡ gần một nửa, được anh em giữ gìn.

Một chiến sĩ cười, bảo vỡ thế vẫn dùng tốt, rồi anh nở nụ cười. Kể lể một vài điều như thế, để minh chứng cho những vất vả “nhìn thấy được” ở Trường Sa. Còn nhiều những vất vả, gian khó khác mà nhiều khi khó nhìn thấy được. Cũng vì thế, những năm gần đây, có nhiều chương trình hướng về Trường Sa, ủng hộ cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa…

Vì Trường Sa từ những điều nhỏ nhất ảnh 2 Giọt mồ hôi rơi trong phiên gác của chiến sĩ Trần Văn Thịnh
Một buổi chiều đầu năm 2019, khi nhà nhà đang chuẩn bị đi mua sắm Tết Nguyên đán, một nhóm bạn từng đi Trường Sa cùng nhau ngồi cà phê ôn chuyện cũ. Một ý tưởng nảy ra, hay là tập hợp những bức ảnh đẹp về Trường Sa để in lịch, rồi tặng các cuốn lịch đó cho những người yêu Trường Sa, gây quỹ ủng hộ anh em cán bộ, chiến sĩ ngoài đó. Lúc cuốn lịch in xong, Tết âm lịch đã đến rất gần, tờ lịch tháng 1 gần như không còn giá trị sử dụng. Vậy mà, số tiền ủng hộ Trường Sa lên tới gần 20 triệu đồng.

Sau khi trừ chi phí in ấn, vận chuyển, toàn bộ số tiền được chuyển thành hàng thiết yếu phục vụ cán bộ, chiến sĩ ngoài Trường Sa. Lúc đầu, nhóm định tặng đàn ghi ta, nhưng mấy anh em ngoài đó nhắn về, có phải ai cũng biết đánh ghita đâu mà tặng. Anh Tống Tùng, một người từng phục vụ nhiều đoàn ra Trường Sa trên tàu HQ 996, rồi từng công tác ở đảo Song Tử Tây bảo, cứ tặng cái cần thiết là được. Suy đi tính lại, anh em quyết định mua chiếu trúc. Ngoài Trường Sa trời nắng, nằm chiếu trúc sau khi đi huấn luyện về có lẽ thoải mái hơn.

Dĩ nhiên, để tặng được chiếu trúc cho cán bộ chiến sĩ trên 21 điểm đảo và 33 điểm đóng quân có lẽ cần thời gian rất dài. Số tiền ủng hộ từ lịch Tết Trường Sa năm 2019, nhóm đã tặng được chiếu trúc cho anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Đông B, Tốc Tan B… Số tiền còn dư, tháng 1/2020, phóng viên Tiền Phong, thay mặt anh em ủng hộ Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã mua chè khô Hà Giang, tặng cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các nhà giàn DK1 trên vùng biển phía Nam nhân chuyến công tác thăm, chúc Tết 2020.

Anh em cán bộ, chiến sĩ bảo, bánh kẹo thì có thể chán, chứ chè khô thì bao nhiêu cũng nhận, cho từng nào hết từng đó. Về đất liền, vẫn còn nhớ lời dặn, lời hứa, năm tới em lại gửi các anh ít chè khô nhé. Có lẽ, số tiền 15 triệu đồng ủng hộ thông qua lịch Tết Trường Sa năm 2020 vừa qua, sẽ tiếp tục quy đổi thành chiếu trúc, thành chè khô cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Anh Hoàng Văn Huê ở đảo Sơn Ca, năm 2019 chia sẻ với Tiền Phong, bản thân anh đi đảo 12 năm, tính ra, mỗi năm ở cạnh vợ con, gia đình chỉ được 1 tháng. Đồng đội của anh Huê, biết bao người như thế. Rồi Trung tá Nguyễn Văn Lâm sau rất nhiều năm công tác ở Trường Sa (Khánh Hòa), giờ anh lại đang ở Nhà giàn DK1/20 (Bà Rịa – Vũng Tàu)…

Vì Trường Sa từ những điều nhỏ nhất ảnh 3

Chiến sĩ đảo Tốc Tan C và chiếc gương vỡ gần một nửa. Ảnh: Trường Phong

MỚI - NÓNG