Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế'

Đội viên Cung Thiếu nhi Hà Nội chào mừng Đại hội Công Đoàn Việt Nam 1978. Phùng Thế Long kéo arcordeon, bên phải là Bình “Bột”, bên trái Long là Tạ Quang Đông, Dương Thanh Hương… ảnh: TƯ LIỆU
Đội viên Cung Thiếu nhi Hà Nội chào mừng Đại hội Công Đoàn Việt Nam 1978. Phùng Thế Long kéo arcordeon, bên phải là Bình “Bột”, bên trái Long là Tạ Quang Đông, Dương Thanh Hương… ảnh: TƯ LIỆU
Bài “Có một thời như thế” của tôi in Tiền Phong 17/7/2020 kể về những ngày tháng huy hoàng ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, các đội viên cũ Họa Mi phản hồi chiu chíu, bảo lục lọi tài thế nhưng còn ối chuyện chưa kể. Rồi xúc động hoài nhớ về “thời oanh liệt nay còn đâu”. Tôi bảo: “Cái bánh bao ngày xưa bao giờ chả to hơn cái bánh bao bây giờ!” (Lỗ Tấn)

CÁI BÁNH BAO NGÀY XƯA…

Cô em họ nhắn tin: “Đọc bài chị, lại nhớ em hồi bé mới chục tuổi đã phải mưu sinh, ngày ngày đi đưa hàng qua Cung thấy đội Nghi Thức chơi trống, thèm! Phải “con nhà” mới được vào đấy”.

Đội trưởng Họa Mi- Trần Mai Lan định cư ở Hungary mấy chục năm nay thì điện thoại nói: đọc bài báo Tiền Phong mà khóc vì nhớ thời đẹp đẽ.

Lã Hoa cô bạn ở Mỹ bảo “Xưa thấy bọn ông sao Hồng Loan, Chung Thủy, Khắc Tâm… suốt ngày hát trên ti vi mà ghen tị. Mình cũng giải Ba văn toàn quốc, cũng lên báo Thiếu Niên vì thi cuối cấp Hai đạt 40/40 điểm nhưng vẫn ao ước được như bọn nó”.

Người ta nói mỗi tấc đất Hà thành đều là di tích (Nguyễn Đình Thi thì viết: Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi)…Mỗi khi nhớ về một thời đạn bom một thời hòa bình, lại thêm một lần thấy Hà Nội quả là miền đất lạ với những nét riêng không thể trộn lẫn, không giống bất cứ nơi đâu trên đất nước. Trong đó Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng là một điểm nhấn.

Tôi bảo: Chẳng phải “con nhà” mới được đi sinh hoạt Câu lạc bộ đâu. (Thời ấy gọi như vậy: Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội, sau mới đổi thành Cung Thiếu nhi Hà Nội- gọi tắt là Cung. Còn Đội Ca có tên khác là Họa Mi). Nhưng đúng là tuổi thơ trải qua ở đây thì vui hơn, có tí phổng mũi.

Vô số kỷ niệm đẹp nhưng sao đứa nào cũng nhớ nhất chuyện hai que kem bồi dưỡng trong mỗi buổi sinh hoạt (mùa đông thì bánh)? Miếng ngon nhớ lâu, miếng ngon đó lại gắn với hát hò, giao du bè bạn, đất trời Hà Nội xanh tươi bình yên một thuở, nên nhớ là phải.

Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 1
Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 2 Ngôi sao Trần Phan Chung Thủy ngày ấy và bây giờ- PGS.TS, bác sĩ, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam. Ảnh: Văn Cung và NVCC 

Và nhìn lại thì thấy: Thời cả nước khó khăn đó, thời mà cả Hà Nội chẳng khác nào cuốn phim đen trắng pha màu cỏ úa (màu bộ đội) đó, lo cho hàng nghìn đứa trẻ (tính cả Đội Ca, Múa, Nhạc, Kịch, Nghi Thức…) có que kem miếng bánh ngày ngày, hẳn là cố gắng lớn của nhà nước.

Trần Phương Thảo có bố làm lái xe, mẹ cấp dưỡng ở Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 51 Trần Hưng Đạo cho nên gia đình được bố trí một căn trong khuôn viên của Hội. Tôi nhớ những buổi tối mùa hè đến chơi với Thảo mà tôi thân từ khi cùng Đội Ca, tha thẩn trên cái sân to, có lúc ngắm các nghệ sĩ “nhớn”, ví dụ nghe Thanh Hoa hát bài hát nền trong vở kịch Hà My của tôi đang đình đám. Ca từ giản dị thôi, giai điệu rất mượt: Lời hứa hẹn ghi lòng/ta dâng trọn cuộc đời/cho mùa xuân Tổ quốc… Qua muôn vàn gian khó/ta yêu nhau suốt đời… Sau này nghe Thanh Hoa (NSND) hát dù ở bất cứ đâu và lúc nào, tôi không bao giờ thấy hay như ngày đó. Đây không hẳn là chuyện “cái bánh bao ngày xưa luôn to ngon hơn cái bánh bao bây giờ”.

Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 3 Bức ảnh đăng báo về “sự kiện đoàn tàu thiếu nhi”, mô tả cuộc gặp của thiếu nhi Hà Nội và TPHCM. Các Họa Mi góp mặt: Lại Kim Oanh, Dương Thanh Hương, Bích Hằng Ảnh: TƯ LIỆU D.T.H

Hồi xưa đó- giữa và cuối thập kỉ 70 thế kỉ trước, chúng tôi hớn hở tung tăng diện váy áo đồng phục sáng trưng của Cung để học hát, luyện thanh, xướng âm, biểu diễn khắp nơi. Thấy mình có đai có đẳng hơn hẳn bọn trẻ cùng phố cùng lớp không biết Cung là gì. Kiếm cớ đi sinh hoạt để la cà, ví dụ hay ra Vườn hoa Con Cóc kiếm quả cọ trên cây cao mang về luộc ăn, rất bùi tuy không thơm bằng quả bàng chín. Chả là Họa Mi Đồng Bích Hường rất giỏi bắn súng cao su, nhắm chùm cọ nào ăn chắc chùm ấy. (Hường giờ ở đâu? Giá mà tôi gặp lại).

Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 4 Thiếu nhi Nhà văn hóa TPHCM đón Đoàn Nghệ thuật Măng non Hà Nội, 1980. Mặc váy đồng phục Họa Mi đi đầu là Hồng Loan, Hồng Nhung (không phải Nhung “Bống”). Đi hàng sau, tay che miệng là Phương Thảo ảnh:  TƯ LIỆU

“Cái bánh bao ngày xưa bao giờ cũng to hơn cái bánh bao bây giờ”- Lỗ Tấn, người đại tài giải phẫu, đọc vị tâm hồn tính cách con người đã dí dỏm như vậy. Có nghĩa là, ta có xu hướng hoài vọng tơ tưởng cái ngày xưa, cho rằng thời buổi bây giờ làm sao mà bằng được!

Thực ra có lẽ phần đông chúng ta giờ nghĩ lại mà “phục chính mình” sao giỏi thế, sống sót qua cái thời bao cấp gian nan cùng cực. Hành trình thơ ấu do vậy suýt nữa là tuổi thơ dữ dội. Nhưng rồi dư vị ngọt ngào vẫn đọng lại?

Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 5 Trà Ly (bìa phải) gặp bạn nhỏ Liên xô trong lần biểu diễn ở Đại sứ quán Liên xô tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

HỌ NGÀY ẤY BÂY GIỜ

Bài Có một thời như thế in lên, các cựu Họa Mi tới tấp gửi cho tôi những ảnh tư liệu quí. Ngồi giở từng chiếc, nhớ ra ai là ai mà không khỏi mỉm cười thích thú.

Ví dụ bức ảnh treo ở Nhà văn hóa Thông tin Tràng Tiền có chú thích: “Đoàn đại biểu thiếu nhi Thủ đô chào mừng Đại hội và tặng hoa đoàn chủ tịch”. Đó là Đại hội lần thứ 4 Công Đoàn Việt Nam ở Hội trường Ba Đình năm 1978, tôi cũng là người trong cuộc. Ngoài Dương Thanh Hương và Đồng Bích Hường thì rõ mặt nhất là: Đông “móm” của Họa Mi, lớn lên thành pianist- PGS.TS Tạ Quang Đông, hết vào Huế làm Phó Giám đốc Nhạc viện Huế, Giám đốc Nhạc viện TPHCM, lại chuyển ngạch sang Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (từ 2019).

Cậu bé đứng bên phải Đông đang chơi accordeon trông đáng yêu- Phùng Thế Long, nổi lắm ở Đội Nhạc, lớn lên làm nhà ngoại giao cũng thành đạt, mới kết thúc nhiệm kỳ Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Perth, Úc.

Bên phải Long là Bình “Bột”, dân kèn clarinet. Chơi với anh em Nghĩa “Ba toác” ở phố Huế- bạn học của tôi. Cả bọn đều đàn giỏi hát hay đẹp đẽ hơn người, vào tuổi thanh niên có lúc đứng dàn hàng đậu xe đẹp dưới lòng đường nom sáng rực một góc phố, tôi nhìn mà mặc cảm! Được biết Bình Bột giờ vô cùng xuống dốc mọi phương diện kể cả sức khỏe, mà tuổi đã nhiều đâu.

Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 6  Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ và lãnh đạo TP Hà Nội thăm Đội Ca và Cung Thiếu nhi

Người về đỉnh cao người về vực sâu, là như thế.

Trần Phan Chung Thủy gương mặt tươi nhất Họa Mi nay là bác sĩ, PGS.TS, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM vừa nghỉ hưu hồi tháng 6. Ngôi sao nhỏ của Họa Mi cho tôi biết cô bây giờ chủ yếu giảng dạy, nghiên cứu và làm công tác hội, là Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam. Thật không ngờ một cô nàng nom đài các phong lưu từ bé mà lớn lên lại thành tấm gương lao động như vậy.

Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 7 Đội violon. Ảnh: VĂN CUNG

Hồng Loan vẫn phong cách mực thước, lớn lên là cô giáo dạy Văn giỏi của Trường THCS Lê Ngọc Hân. Vừa rồi Loan nhắn tin cho tôi về một sai sót nhỏ trong bài báo Ký ức về bộ phim “Em bé Hà Nội” in  2012, rằng cô bé hát bài hát ở cảnh sơ tán trong phim Em bé Hà Nội không phải tên Hương. Thì ra đạo diễn Hải Ninh nhớ sai khiến tôi sai theo. Giọng trong trẻo mà tôi khen thật ra là Hồng Thúy cơ, chị ruột Loan- cũng cây đơn ca của Họa Mi như em gái nhưng lứa trên nên tôi không biết.

Mới ngoài 10 tuổi tôi may mắn có hai chuyến biểu diễn giao lưu với các bạn nhỏ trong Nam. Một là năm 1976 kỉ niệm 1 năm đất nước thống nhất và nhân 1/6, tôi với Mai Thu Thủy và Khắc Tâm của Đội Ca, Phùng Thế Long và Hoàng Xuân Bình của Đội Nhạc (Bình nay là Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam)… đi trên xe ca Dimitrov xuyên Việt suốt một tháng, đi đến đâu đều dừng ở Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh biểu diễn. Cuối cùng là hội tụ với Đoàn đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ của Huế và TPHCM tại buổi lễ ở Dinh Thống Nhất. Chuyến sau, 1980 thì đi bằng tàu hỏa, vẫn có cả Đội Múa, Nhạc… Đội Kịch câm có Kít (Lưu Minh Vũ, con trai nhà viết kịch Lưu Quang Vũ). Thật sự quá vui, nhớ mãi. Chị Phạm Thiếu Nga gương mặt học giỏi nổi tiếng Thủ đô hồi đó và là một đội viên của Cung, về sau có viết sách kể lại kỷ niệm chuyến đi”, Hồng Loan, cây đơn ca đội Hoạ My.

“Thời như thế” có những chặng thật phong lưu, huy hoàng khi được đi sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi, khiến tuổi thơ bớt dữ dội, và khiến các thành viên cảm động rưng rức khi ôn lại. Bây giờ thì sao? Kim Ngọc và Kim Anh- bạn thân tôi từ hồi lớp Ba do cùng sinh hoạt Đội Ca, bảo: “Cả năm chả hát câu nào!”. Cuộc sống căng thẳng áp lực quá, khiến quên cả chuyện thỉnh thoảng nên ưu tiên cái gì, từng rất yêu văn nghệ như thế nào.

Tôi nói: “Vào trang cá nhân của Trà Ly mà xem, thường xuyên cập nhật cảnh chồng đàn vợ hát trông rất nghệ sĩ. Thế mới là Họa Mi chứ bọn mình suy đồi quá”. Hà Nguyệt Thu (Trưởng một phòng ở Truyền hình Cáp VTV, chồng là Tổng Giám đốc K+) hóm hỉnh: “Mình đến tuổi này cũng lại gạo thì ngộ nhỉ”.

Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 8 Một tiết mục hợp xướng của Họa Mi ở rạp Khăn Quàng Đỏ

Trà Ly là con bé có bức ảnh chụp với Anh hùng Phi công Liên xô Gherman Titov mà tôi kể trong bài Có một thời như thế.  Ly kể giai đoạn sau còn phong phú hơn do Cung lập Đội xung kích đi diễn khắp nơi, rất hay vào Đại sứ quán Liên xô. Hiện Ly làm cho một công ty Nhật chuyên về cảng biển. Ly kể, vì cuộc biểu diễn ở sứ quán Liên xô mà nảy tình thân với một bạn nhỏ, hai đứa thư từ mãi cho đến khi Liên xô tan rã. Làm tôi nhớ phong trào các trường ở Hà Nội viết thư cho thiếu nhi các nước. Cơ khổ, toàn viết tiếng Việt là chính thì họ đọc thế nào. Có đứa còn nhận được búp bê của bạn Liên xô. Rồi phong trào thiếu nhi cả nước góp kế hoạch nhỏ để nhờ ngành Đường sắt đóng đoàn tàu mang tên Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh. Nghe ý nghĩa nhưng nghĩ lại, tiền bán giấy vụn sao có thể đóng tàu!

Lứa sau của Họa Mi cũng nhiều người nổi, thành ca sĩ chuyên nghiệp. Như Hải Yến hát Màu áo chú bộ đội hay nhất trong các ngôi sao nhí, lớn lên đầu quân cho Nhà hát Tuổi trẻ. Khánh Huyền cũng thế- là ca sĩ nhà hát này, đóng cả phim, kịch. Hồng Nhung cũng hơn một lần tri ân Họa Mi- cái nôi trưởng thành của Bống…

NHỮNG NHAN SẮC PHỐ PHƯỜNG

Trong một lần phỏng vấn nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi kể có biết Hoàng Ly vợ đầu của ông, và hỏi tôi có nên đề cập Hoàng Ly trong bài, có sợ kiến trúc sư Thúy buồn không? Ông có vẻ bất ngờ, lặng đi. Sau đó nói: Thôi. (Thúy là vợ sau của nhạc sĩ, còn Hoàng Ly về sau nên duyên với Giáo sư Sử học Nguyễn Hồng Phong, từng là Viện trưởng Viện Sử học. Chuyện bốn người của họ nổi tiếng thời đó. Ông Hồng Phong là chồng cũ của nhà văn Ngọc Trai, từng làm Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ).

Không vô cớ mà người này- Hoàng Ly, lại in đậm trong ký ức chúng tôi. Một phụ nữ rất Hà Nội, có vẻ đẹp vừa sang trọng vừa nghệ sĩ. Được Cung mời đệm piano cho các buổi tập của chúng tôi. Đời tư của Minh Cầm- người đẹp và tài trong mộng khác của tuổi thơ tôi, vốn dân Chỉ huy Giao hưởng được Cung mời cộng tác, cũng éo le gần bằng Hoàng Ly. Còn người đẹp nam Đặng Hùng- giảng viên dạy hợp xướng mà chúng tôi vô cùng yêu mến- nghe nói bị tai biến, ngại gặp mọi người nên chúng tôi muốn thăm nhưng đành thôi.

Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 9 Kỉ niệm cuộc đi chơi hồ Bảy Mẫu với các bạn nhỏ Liên xô. Ảnh: TƯ LIỆU TRÀ LY

Con người ta ai cũng yêu cái đẹp. Sau bao năm gặp lại, những người được nhắc nhớ đầu tiên ngoài các tài năng thì bao giờ cũng là các nhan sắc phố phường, xinh từ bé, nhất là người tài sắc vẹn toàn: Tuyết Hằng, Chung Thủy, Trà Mi… Nhất là đội Họa Mi rất đông dân phố “Hàng”, toàn Hà Nội gốc cả, sáng trưng. Đội khác ví dụ Bình “Bột” trông như hoàng tử nhưng phận bạc kể trên kia. Hoặc Lan Nguyên chơi cello, luôn để tóc tết hai bím dài, nghe nói về sau làm giảng viên đại học. Mấy năm trước tôi nhìn thấy, vẫn xinh. Hay Huyền “Mì” tức Thu Huyền nhà bán mì vằn thắn đối diện chợ Hôm- nhân vật mà trong bài Nhan sắc phố phường in 15 năm trước tôi đã tả là sắc đẹp so với người nổi tiếng cùng phố Huế- ca sĩ Ái Vân thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.

Chục năm trước Huyền có việc xây sửa nhà cửa gì đó, đến tòa soạn đưa đơn thư, tôi ngắm mà tiếc hùi hụi: Chị ơi, các đường nét trời cho đặc biệt như thế mà chị sửa hết phí quá. Huyền giờ là bà chủ cao ốc Avalon to vật bên Hồ Gươm. Lê Trà Mi xinh kiểu rất dịu dàng thì đôi lần lấp ló mặt báo với tư cách chính thất của đại gia chứng khoán Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SSI...

Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 10  Bức ảnh kỷ niệm quí được các đội viên Họa Mi giữ cẩn thận. Tôi (DPV) cũng là một cái chấm ngồi hàng đầu

Tuổi thơ mãi mãi cùng ta. Hành trang tuổi thơ vui có buồn có, ai cũng vậy, song chúng ta lớn lên cùng đất nước như thế nào- đó là điều quan trọng. Xuất phát điểm như nhau nhưng mỗi người đã tự bứt lên ra sao?

Tháng 10 này- tháng kỷ niệm 66 năm giải phóng Thủ đô và 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, nhớ về những ngày tháng đẹp ở một góc trời Hà Nội- Cung Thiếu nhi (thời xa xưa gọi là Ấu Trĩ Viên) còn là nhớ về một thế hệ trưởng thành trong gian khó, chứng nhân của mảnh đất giàu chứng tích kỳ tích, và là mảnh tâm hồn của Thăng Long Đông Đô Hà Nội- điều khiến họ thật sự tự hào.

Vĩ thanh 'thời tươi đẹp như thế' ảnh 11 Nét thơ ngây hồn nhiên của “thời tươi đẹp như thế”
MỚI - NÓNG