Những “chiếc lồng sắt” di động
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15km, tại Trường tiểu học Tân Minh (Thường Tín - Hà Nội) có hàng loạt xe 3 bánh tự chế, ô tô cũ nát hoạt động. Mỗi ngày, có 4 xe 3 bánh tự chế chở học sinh. Thùng xe dài khoảng 1,5m, rộng khoảng 1,3m, được hàn kín bằng khung sắt. Mỗi khi di chuyển, những chiếc xe tự chế này giống như chiếc lồng sắt di động. Phía trên thùng xe có mái che. Trên thùng xe, hơn chục học sinh chen chúc ngồi giữa 2 hàng ghế được hàn tạm bợ. Để chở thêm học sinh, lái xe tự chế thêm 2 cánh cửa bằng nhựa cạnh tay lái và cho mỗi bên 2 học sinh ngồi cạnh. Sau khi học sinh vào xe đủ, lái xe khóa cửa bên ngoài. Ngồi trong xe, cả chục học sinh đùa nghịch suốt chặng đường.
Tại trường tiểu học Tân Minh có một ô tô chở khách loại 29 ghế ngồi cũ nát biển kiểm soát 34M-1739. Trần xe được “lợp” bằng tấm tôn. Xung quanh xe, các ô cửa kính thoát hiểm bị hàn bằng các thanh sắt và dùng tấm xốp che tạm bợ. Mỗi khi tan trường, học sinh lũ lượt lên xe, chạy nhảy đùa nghịch. Nhiều học sinh còn đưa tay và đầu ra phía ngoài thanh sắt. Nhìn từ xa, các ô cửa của ô tô như những lồng sắt thu nhỏ.
Tại trường tiểu học Dũng Tiến (huyện Thường Tín, Hà Nội) có 2 xe ô tô đưa đón học sinh. Trong đó, có 1 xe ô tô đưa đón được cải tạo từ xe buýt cũ. Anh Nguyễn Văn Đức - lái xe buýt này cho biết: “Xe của tôi vừa hoạt động được 1 tuần nên chưa đủ giấy tờ lưu thông. Xe chở học sinh ít lợi nhuận lắm nên rất khó để đầu tư xe chất lượng tốt”.
Tại Trường tiểu học Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên), trước giờ tan học, hàng loạt xe ô tô loại 16, 29 chỗ ngồi xếp hàng chờ đón học sinh. Đa số những chiếc xe này đều đã cũ, lớp sơn bên ngoài bong tróc. Có 2 chiếc xe 16 chỗ ngồi không còn tem đăng kiểm. Toàn bộ ghế ngồi bị bỏ đi, thay vào đó là 3 hàng ghế gỗ. Tan học, học sinh ùa lên những chiếc xe cũ này, chen chúc đùa nghịch.
Ông Trần Công Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Ủng cho biết, UBND xã và cảnh sát giao thông huyện Ân Thi đã tịch thu 2 xe ô tô quá niên hạn sử dụng đưa đón học sinh. Hiện nay, tại Trường tiểu học Phù Ủng còn khoảng 5-6 xe ô tô đưa đón học sinh. UBND xã cùng Ban giám hiệu trường tiểu học đã yêu cầu các lái xe ký cam kết chỉ sử dụng xe đủ điều kiện đưa đón học sinh.
Cơ quan chức năng có buông lỏng?
Theo ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UBND xã Tân Minh, tại địa phương có 5 xe 3 bánh tự chế, xe ô tô cũ đưa đón học sinh. Sau khi phát hiện, UBND xã đã yêu cầu lái xe tự chế viết bản cam kết không hoạt động. Tại biên bản làm việc ngày 29/11, UBND xã yêu cầu 4 lái xe tự chế, xe ô tô cũ (gồm ông Nguyễn Như Hinh, ông Nguyễn Trường Giang, ông Nguyễn Thanh Quân, ông Nguyễn Văn Luân và ông Nguyễn Văn Tâm) dừng ngay hoạt động đưa đón học sinh.
“UBND xã đã làm việc với các chủ xe. Theo quy trình, sau 3 lần ký văn bản cam kết, chủ xe vẫn vi phạm thì sẽ tịch thu phương tiện”, ông Bằng cho biết.
Tuy nhiên, khảo sát của Tiền Phong, sau khi ký cam kết, các xe tự chế này vẫn hoạt động đưa đón học sinh. Việc đưa đón này chủ yếu do phụ huynh thống nhất với các lái xe.
Ông Nguyễn Như Ý, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín cho biết đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương và công an huyện tuyên truyền. Nếu các chủ xe tự chế, xe ô tô cũ không chấm dứt việc đưa đón học sinh, phòng giáo dục nhờ bên Công an huyện tịch thu phương tiện không đảm bảo an toàn.
“Ngành giáo dục không có quyền gì với các chủ phương tiện, chỉ vận động tuyên truyền với phụ huynh không gửi con cho các xe đưa đón không đủ điều kiện an toàn. Phòng GD&ĐT đã giao trách nhiệm cho các hiệu trưởng nhà trường”, ông Ý cho biết.
Là đơn vị trực tiếp phụ trách địa bàn, Đại úy Lê Xuân Thọ, Đội trưởng đội CSGT huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô, xe tự chế diễn ra ở 4 trường tiểu học của các xã Tân Minh, Nguyễn Trãi, Hiền Giang và Duy Tiến. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, Đội CSGT huyện Thường Tín phát hiện tình trạng dùng xe ba bánh hàn như chiếc lồng để chở học sinh bên trong. Ông Thọ cũng khẳng định, việc đưa đón này rất nguy hiểm.
Sau khi phát hiện tình trạng trên, đội CSGT huyện Thường Tín đã cử cán bộ xuống từng địa phương, phối hợp cùng ban công xã làm việc với tất cả các chủ phương tiện hoạt động đưa đón học sinh. Phía công an đã lập văn bản cam kết cho từng chủ xe, nếu tiếp tục hoạt động đưa đón học sinh sẽ bị tịch thu xe ngay lập tức. Ông Thọ khẳng định, sau khi CSGT vào cuộc hiện nay không còn tình trạng xe tự chế đưa đón học sinh tại Thường Tín. Tuy nhiên, trên thực tế, các xe ô tô cũ, xe tự chế vẫn hoạt động trên địa bàn.
Trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Văn Mừng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Hưng Yên cho biết, nếu phát hiện xe vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Khi hỏi về việc đã xử lý được đối tượng nào chưa, ông Mừng từ chối trả lời.
Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo về kết quả kiểm tra, xử lý phương tiện vận chuyển học sinh trên địa bàn thành phố. Theo đó, huyện Thường Tín là một trong các quận, huyện tại Hà Nội các trường học không ký hợp đồng đưa đón học sinh.
Một phụ huynh cho con đến trường bằng loại xe cũ nát cho biết, chi phí khoảng 200 -300 nghìn đồng/học sinh/tháng (tùy khoảng cách). Khi được hỏi về độ an toàn của những chiếc xe này, phụ huynh này nói, từ trước tới nay chưa xảy ra việc gì nên gửi các cháu cho tiện.