Vì sao xăng sinh học E5 khó hút người dùng?

Vì sao xăng sinh học E5 khó hút người dùng?
TP - Phải giảm giá bán xăng sinh học E5 xuống thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/lít, cùng đó tạo cơ chế để bảo vệ, không để người tiêu dùng bị thiệt, doanh nghiệp (DN) xăng dầu có đủ lợi nhuận để hoạt động, khi đó mới có thể tính tới đẩy mạnh sử dụng xăng E5 trên thị trường.

Đây là những ý kiến đề xuất được đưa ra tại Hội thảo Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/10.

Vì sao xăng sinh học E5 khó hút người dùng? ảnh 1 Theo báo cáo của các DN và địa phương, người tiêu dùng hiện vẫn chưa mặn mà, còn nghi ngại khi sử dụng xăng sinh học. Ảnh: Như Ý.

Lợi nhuận hẻo, nhiều doanh nghiệp xin tạm ngừng bán E5

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm cho rằng, để tiêu thụ xăng E5 ổn định, Chính phủ cần giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, phí nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN đầu mối cũng như của các nhà máy ethanol và cả của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá ethanol phải cạnh tranh, các DN đầu mối phải nghiêm túc triển khai đồng thời việc bán xăng
sinh học.

Đề cập những khó khăn trong việc triển khai lộ trình bán xăng E5, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho biết, đến hết tháng 8/2017, trên địa bàn toàn TPHCM có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5 (tỉ lệ 45%) với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.053 m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay, sản lượng tiêu thụ xăng E5 đang có chiều hướng giảm do người tiêu dùng không chuyển qua tiêu dùng xăng sinh học E5.

Mức chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 hiện quá thấp, chỉ ở mức 270 đồng/lít thực sự không hấp dẫn người tiêu dùng trong bối cảnh vẫn còn tâm lý e ngại khi được giới thiệu và khuyến khích dùng thử. Điều khiến cơ quan quản lý cảm thấy lo lắng chính là doanh thu của các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 đang rất thấp so với kinh doanh xăng khoáng A92, A95. Sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt rất cao, mức chiết khấu thấp không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng và ảnh hưởng đến lợi nhuận của
doanh nghiệp.  

“Đến nay, đã có một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị Sở Công Thương TPHCM về việc tạm ngưng kinh doanh xăng E5 do sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng. Cùng đó, mức chiết khấu xăng sinh học E5 không cao (1.000 -1.600 đồng/lít) và thấp hơn so với xăng A92, A95 tới 280 đồng/lít cũng khiến các DN kinh doanh xăng dầu không mặn mà chuyển đổi”, đại diện Sở Công Thương TPHCM nói và cho hay mức chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng A92 chỉ ở mức 230 đồng/lít cũng đang là rào cản, gây khó trong thu hút người tiêu dùng sử dụng.

Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cũng cho rằng, việc các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước đang đóng cửa, hoạt động cầm chừng đã dẫn đến chi phí sản xuất ethanol cao, kéo theo giá thành xăng sinh học E5 cao. Ngoài ra, việc kinh doanh xăng sinh học E5 triển khai thực hiện thí điểm trên phạm vi 5 tỉnh, thành không đồng bộ và kịp thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phân phối xăng sinh học E5. Để triển khai bán xăng E5 hiệu quả, theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, cần có cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, phí, thuế môi trường và tăng tỷ lệ chiết khấu hoa hồng 1.000 - 2.000 đồng/lít thì mới tạo được yếu tố hấp dẫn, khuyến khích DN và người tiêu dùng tham gia phân phối, sử dụng.

Lo độc quyền, thiệt hại cho người tiêu dùng

Bày tỏ lo ngại người tiêu dùng thực tế không còn lựa chọn khi các cây xăng chỉ còn bán một loại xăng sinh học, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng, sử dụng xăng khoáng không chỉ là thói quen mà còn là lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm truyền thống này từ nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa mặn mà với xăng sinh học do vẫn còn nghi ngại sử dụng xăng sinh học sẽ ảnh hưởng đến động cơ, máy móc trong khi mức giá bán xăng E5 và A92 không chênh lệch nhiều. “Thay đổi thói quen sang sử dụng xăng E5 thực tế đang là thách thức. Trong điều kiện kinh tế thị trường, cần sử dụng biện pháp kinh tế để mức chênh lệch giữa giá bán lẻ xăng sinh học và xăng truyền thống phải đủ lớn, khi đó người tiêu dùng mới có phản ứng tích cực”, ông Hùng nói.

Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam Lưu Quang Thái cho rằng, mấu chốt nhất của việc xăng E5 không đi vào được cuộc sống là người dân và DN không thấy mức giá bán hấp dẫn.

Đưa ra nhiều ý kiến cảnh báo khác nhau xung quanh giá bán và khả năng phát triển của xăng sinh học, theo ông Thái, nếu giữ thuế nhập khẩu E100 ở mức 20% như hiện nay thì các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học của Việt Nam có thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, nếu hạ thuế nhập khẩu xuống còn 10% hay 15% thì các nhà máy sản xuất của Việt Nam không cạnh tranh được với ethanol nhập khẩu.

Vì vậy, chỉ còn cách duy nhất là phải giữ thuế nhập khẩu ở mức 20%. Cũng theo đại diện Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam. Việc tuyên truyền đến người tiêu dùng giá xăng E5 thấp hơn xăng khoáng như hiện nay là không đúng. Với người tiêu dùng, trả thêm tiền cho xăng sinh học cũng được, miễn là họ được sử dụng xăng chất lượng tốt hơn.

Trước những kiến nghị của DN, Vụ phó Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An cho hay, Thuế Bảo vệ môi trường xăng E5 hiện tính theo cách khá cơ học: Xăng khoáng là 3.000 đồng; xăng sinh học là 2.850 đồng/lít. Hiện Bộ Công Thương cũng nhận thấy có vấn đề trong cách tính thuế và đang kiến nghị sửa căn cứ trên tính ưu việt của xăng sinh học, chứ không nên cơ học theo tỷ lệ pha trộn như hiện nay. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Phan Thế Ruệ, chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 và xăng khoáng A92 không đủ sức thu hút người tiêu dùng trong khi khai tử hoàn toàn xăng khoáng. Khi đó sẽ không tránh khỏi việc một bộ phận người dân chuyển hẳn sang dùng xăng A95. 

MỚI - NÓNG